Trẻ hóc hạt nhãn, hạt na, cha mẹ lưu ý điều này để cứu con
Mới đây bé gái 2 tuổi ra đi mãi mãi vì không may hóc hạt nhãn. Theo bác sĩ Nhi khoa, trẻ có nguy cơ hóc nhiều loại dị vật khác nhau, nếu được sơ cứu đúng cách có thể giúp trẻ thoát khỏi nguy kịch.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 mới đây xác nhận vừa tiếp nhận cấp cứu một bé gái 2 tuổi bị hóc hạt nhãn. Tuy nhiên, do dị vật mắc quá lâu trước khi được đưa đến bệnh viện, bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch và không qua khỏi dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.

Hóc hạt nhãn ở trẻ có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp (ảnh minh họa).
Theo người nhà bệnh nhi, khi cháu L.N.A đang ăn quả nhãn thì bất ngờ bị hóc hạt. Thấy cháu khó thở, tím tái nên người nhà đã tức tốc đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ từng tiếp nhận nhiều trẻ hóc dị gây tắc nghẽn đường thở, thậm chí để lại hậu quả đáng tiếc.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo của BSCKII. Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ không may bị hóc dị vật, việc sơ cứu đúng cách có thể giúp trẻ thoát khỏi nguy kịch khi hóc dị vật. Do vậy, người chăm sóc cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:
Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, ho có hiệu quả, không ảnh hưởng đến các chức năng sống, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ ho, tiếp tục theo dõi, đánh giá và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cấp cứu.
Nếu trẻ tím tái, không khóc hoặc khóc yếu, ho không hiệu quả. Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu:
Trong trường hợp trẻ con tỉnh:
Đối với trẻ nhỏ:
Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp, dọc theo cánh tay một bên, bàn tay đỡ vùng ngực xương hàm dưới của trẻ.
Dùng gót bàn tay còn lại vỗ 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai theo hướng xuống dưới và ra phía trước.
Nếu vẫn chưa bật được dị vật ra tiến hành lật ngửa trẻ vẫn để dọc cánh tay, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái (tần suất 1 lần/ 1 giây)
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Cách sơ cứu với trẻ nhỏ bị hóc dị vật đường thở.
Đối với trẻ lớn: Ngoài sử dụng biện pháp vỗ lưng ấn ngực có thể trẻ lớn người cấp cứu có thể sử dụng nghiệm pháp Heimlich với trẻ ở tư thế đứng hoặc ngồi.
Theo đó, người cấp cứu đứng sau nạn nhân. Do chiều cao của trẻ thấp, để hiệu quả người cấp cứu có thể nhấc trẻ lên hoặc quỳ phía sau trẻ. Đặt gót bàn tay của một tay trên bụng trẻ ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi xương ức, phía trên rốn. Tay thứ 2 đặt trên tay thứ nhất. Dùng hai tay ấn mạnh lên bụng, ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 – 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.

Nghiệm pháp Heimlich sơ cứu với trẻ lớn bị hóc dị vật đường thở.
Trong trường hợp trẻ không tỉnh: Người lớn cần mở thông đường thở bằng cách ngửa đầu, nâng cằm; Thổi ngạt 2 lần và hồi sức tim phổi bằng cách ép tim ngoài lồng ngực 30 nhịp liên tục thổi ngạt và ép tim cho đến khi trẻ tỉnh hoặc có nhân viên y tế đến.
Để phòng tránh tai nạn hóc dị vật, BS Hùng lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ, người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn không nên chủ quan, phải giám sát chặt chẽ. Để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ, tròn, trơn hoặc đầu nhọn như: đinh, ốc vít, bút, đồng xu, pin, kim, tăm…
Cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm, mút. Đặc biệt, không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc và không nên nô đùa trong khi ăn, đặc biệt khi trẻ có thức ăn trong miệng. Cha mẹ, người lớn chú ý không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, hướng dương, chôm chôm… Tập cho trẻ kỹ năng nhai kỹ, nuốt chậm.