Trên đã quyết liệt thì dưới cũng phải chuyển động

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký, ban hành Công điện số 194 của Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Trần Văn Lâm

Ông Trần Văn Lâm

PV: Trong việc giải ngân vốn đầu tư công có tình trạng, cùng cơ chế như nhau nhưng có nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt. Theo ông nguyên nhân do đâu?

Ông TRẦN VĂN LÂM: Đúng là cùng cơ chế, chính sách như nhau nhưng có nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt là do con người thực hiện, trong đó là trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn nhận khách quan dựa trên cả 2 khía cạnh. Bởi cùng cơ chế chính sách như vậy nhưng các điều kiện, tính chất ở mỗi ngành, địa phương có sự khác nhau. Địa bàn thành phố, đô thị khác với địa bàn nông thôn; thành phố khác với miền núi, rồi tỉnh, huyện. Ví dụ trong giải phóng mặt bằng thì chỗ đất đai rộng, giá trị đất không cao thì không đáng gì so với nơi “tấc đất tấc vàng”.

Với địa phương trước đây làm tốt công tác quản lý, rạch ròi, minh bạch, hồ sơ rõ ràng, đo đạc chính xác, thì trong quá trình đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng khá đơn giản. Còn nơi trước đây do làm công tác quản lý không tốt, không rạch ròi, chồng lấn... thì quá trình bồi thường sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy cần đánh giá rất cụ thể. Yếu tố trách nhiệm của người đứng đầu là có, nhưng cũng phải xem xét thêm các yếu tố khác, thực tế.

Trong Công điện 194, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phân cấp, giao quyền như một biện pháp đẩy nhanh quá trình giải ngân đầu tư công. Ý kiến của ông?

- Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho địa phương trong vấn đề triển khai các dự án đầu tư công. Thậm chí một số các dự án thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành ở Trung ương vừa rồi cũng đã đưa về cho các địa phương triển khai. Đó chính là tăng cường phân cấp, giao quyền cho các địa phương. Theo đó, giao chủ động trong một số nội dung mà địa phương được phép chủ động. Việc phân cấp, phân quyền chính là đẩy mạnh, tăng cường phân cấp tạo điều kiện để cho các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình triển khai nhưng cũng tăng vai trò trách nhiệm của địa phương. Khi anh được giao việc gắn với trách nhiệm thì anh phải sát xao hơn, quyết liệt hơn. Đó là một trong những biện pháp để tháo gỡ vướng mắc hiện nay, trong đó có việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, vẫn rất cần gắn trách nhiệm với người đứng đầu, thưa ông?

- Trung ương đôn đốc rất quyết liệt, nhưng vẫn còn tình trạng xem xét trách nhiệm không đến nơi đến chốn, hòa cả làng, cuối năm vẫn đánh giá xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ. Nơi giải ngân được nhiều cũng giống như nơi giải ngân được ít. Chính là do thực hiện các giải pháp chưa đến nơi đến chốn. Đáng lý ra đã giao nhận nhiệm vụ thì đến cuối năm phải rõ ai hoàn thành, ai không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó có khen thưởng, có kỷ luật. Nhất là phải kiểm điểm trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Phải quyết liệt như thế. Khi xử lý vài trường hợp thì đó sẽ là “gương” để răn đe đối với các trường hợp khác. Gắn trách nhiệm là phải như vậy. Nếu không gắn với các quyết định hành chính thì hiệu quả sẽ không cao.

Thủ tướng đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ông đánh giá sao về việc này?

- Tôi cho rằng sẽ có tác động đến quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Bởi các Tổ công tác sẽ đốc thúc, qua đó đề cao được trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương. Dù là tập thể hay cá nhân thì đều không muốn bị phê bình, nhắc nhở, và cố gắng làm cho đạt kết quả được giao. Các Tổ công tác của Thủ tướng trong quá trình đi kiểm tra cũng có dịp để tiếp cận với thực tiễn, phát hiện ra những vấn đề khó khăn bất cập, nghe được các đề xuất kiến nghị để từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Việc thành lập các Tổ công tác sẽ có hiệu quả. Trên đã quyết liệt thì dưới cũng phải chuyển động theo.

Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn rất quan trọng, nhất là người đứng đầu. Rồi hệ thống tổ chức bộ máy cũng phải đồng bộ. Vì thực tế bộ máy cũng do con người hình thành xây dựng lên, các cơ chế, quy định, quy tắc cũng do con người đặt ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

“ Việc phân cấp, phân quyền chính là đẩy mạnh, tăng cường phân cấp tạo điều kiện để cho các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình triển khai nhưng cũng tăng vai trò trách nhiệm của địa phương. Khi anh được giao việc gắn với trách nhiệm thì anh cũng phải sát xao hơn, quyết liệt hơn”.

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tren-da-quyet-liet-thi-duoi-cung-phai-chuyen-dong-5714241.html