'Trên dưới đồng lòng' thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 7) chính thức khai mạc tại Hà Nội ngày 15/5 và kéo dài đến ngày 17/5. Hội nghị đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đồng thời, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới để đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ này.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu tham gia "Ngày chạy thể thao quân sự", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ảnh: Bích Đông

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu tham gia "Ngày chạy thể thao quân sự", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ảnh: Bích Đông

Ghi nhận nhiều điểm sáng

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp mới đặt ra đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trước sự phức tạp của tình hình, lực lượng quốc phòng, an ninh đã cơ bản nắm bắt, đánh giá đúng tình hình, dự báo tương đối chính xác về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Đã vận dụng đúng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, hướng dẫn của Chính phủ, xử lý đúng và hiệu quả từng vấn đề cụ thể; xử lý phù hợp mối quan hệ đối tác, đối tượng. Phương thức đấu tranh khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, xử trí tương đối hiệu quả, kịp thời các tình huống quốc phòng, an ninh trên không, trên biển, biên giới, nội địa để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; ngăn chặn không để xảy ra bạo loạn lật đổ, bạo loạn vũ trang, xung đột vũ trang.

Đã có những nỗ lực và đạt được hiệu quả trong việc ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chống âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, đòi đa nguyên, đa đảng. Kết quả của việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Thông cáo được công bố sau Hội nghị Trung ương 7 đã cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; từng bước hoàn thiện và phát triển tư duy lý luận, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc theo hướng: Tăng cường thế trận lòng dân; chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Bằng nhiều chủ trương, biện pháp, Việt Nam đã tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Xử lý linh hoạt, cân bằng, hài hòa quan hệ với các nước cũng như các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Mặt khác, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong việc kế thừa, phát huy sức mạnh của trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển"; thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường.

Thành công của các chuyến thăm, các cuộc điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là chuyến thăm Trung Quốc, các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước láng giềng, các nước trong khu vực là minh chứng cho sự thành công của các hoạt động đối ngoại thời gian qua...

Có thể thấy rằng, những kết quả, thành công quan trọng của đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh nói riêng đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước nói chung, góp phần vào việc giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị; kết hợp linh hoạt giữa hợp tác và đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, ngăn ngừa nguy cơ xung đột và chiến tranh, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Không chủ quan, tự mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được

Tại Hội nghị Trung ương 7, Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém; phân tích nguyên nhân và thống nhất cao cho rằng, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng; xung đột Nga-Ukraine diễn biến phức tạp; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, động đất... tác động sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Trong bối cảnh đó, với ý chí, quyết tâm cao, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu chỉ đạo tập trung, ưu tiên triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII: Phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Trong bài phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.

Theo đồng chí Tổng Bí thư, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.

Tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương; giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại...

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tren-duoi-dong-longquot-thuc-hien-thang-loi-cac-nhiem-vu-quoc-phong-an-ninh-post462477.html