Trêu chọc đánh bạn có phải là bạo lực học đường không?

Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi; và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra tại cơ sở giáo dục, lớp học...

Hiện nay, bạo lực học đường (đặc biệt ở lứa tuổi từ 12-17) đang là vấn đề rất nóng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác và tâm lý của các em học sinh. Những clip học sinh đánh nhau được phát tán trong thời gian gần đây gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong dư luận. Xin hỏi hành vi kỳ thị, gây bè phái, phân biệt đối xử, trêu chọc, đánh bạn… có phải là bạo lực học đường không? Pháp luật quy định về xử lý hành vi này như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường thì:

“Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi; và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra tại cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.

Như vậy, theo định nghĩa nêu trên thì việc một số em học sinh trong trường gây bè phái, cô lập có hành vi đối xử kỳ thị bạn khiến bạn đó hoang mang, sợ hãi ảnh hưởng lớn đến tâm lý, gây áp lực trong cuộc sống được xem là bạo lực học đường.

Luật sư Trương Quốc Hòe

Luật sư Trương Quốc Hòe

Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào cụ thể quy định chế tài đối với người có hành vi bạo lực học đường. Tuy nhiên, Các quy định của Bộ giáo dục cũng như là Bộ luật hình sự đã có những điều khoản quy định về việc xử lý người có những hành vi đánh nhau gây tổn hại sức khỏe hay hành vi lăng mạ xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.

Mỗi trường học đều sẽ có điều lệ và nội quy trường học riêng để buộc các em học sinh phải tuân thủ theo. Trường hợp các em học sinh có vi phạm thì căn cứ theo nội quy của nhà trường và tùy từng tính chất, mức độ của hành vi mà sẽ bị xử lý theo các hình thức sau:

Khiển trách trước lớp;
Khiển trách trước hội đồng kỷ luật của nhà trường;
Khiến trách trước toàn trường;
Đuổi học 1 tuần lễ;
Đuổi học 1 năm;

Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm là nghiêm trọng thì các em học sinh có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự với các hình thức xử lý như sau:

- Khiển trách

- Hòa giải tại cộng đồng

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền.

- Cải tạo không giam giữ.

- Tù có thời hạn.

- Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Hiện nay, bạo lực học đường đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến. Do các em còn quá trẻ nên hậu quả của việc này là vô cùng nặng nề đối với tương lai của các em không chỉ đối với người chịu tác động của hành vi (người bị bạo lực) mà ngay cả người thực hiện hành vi cũng phải chịu những chế tài vô cũng nghiêm khắc của pháp luật. Chính vì vậy mà vấn đề ngăn chặn bạo lực học đường cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết.

Đ. Việt

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/tu-van-luat/treu-choc-danh-ban-co-phai-la-bao-luc-hoc-duong-khong-23423.html