Trí Việt Investcons bị cấm thầu 3 năm vì gian lận hồ sơ

Công ty Cổ phần Trí Việt Investcons vừa bị UBND thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cấm thầu 3 năm vì hành vi gian lận trong đấu thầu.

Ngày 27/6/2025, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 7442/QĐ-UBND về việc xử lý vi phạm đối với Công ty CP Trí Việt Investcons (Trí Việt Investcons). Theo đó, doanh nghiệp này bị cấm tham gia đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong vòng 3 năm, tính từ ngày quyết định có hiệu lực.

 Luật sư Nguyễn Hải Lăng, Giám đốc Công ty luật Hồng Hạnh Vân Canh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Hải Lăng, Giám đốc Công ty luật Hồng Hạnh Vân Canh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Lý do xử phạt là nhà thầu đã sử dụng văn bằng không hợp pháp của nhân sự chủ chốt trong hồ sơ dự thầu Gói thầu số 05: Thi công xây dựng công trình thuộc Tiểu dự án GPMB tuyến đường từ nút giao Đông Xuân đi TP Thanh Hóa, đoạn qua xã Đông Thanh - Đông Tiến, hạng mục đầu tư xây mới Trường Tiểu học xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư 818 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3/2024.

Trước đó, vào tháng 4/2025, Trí Việt Investcons cũng bị phát hiện có hành vi tương tự tại gói thầu xây dựng Trường Tiểu học Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Tại đây, nhà thầu đã kê khai nhân sự chỉ huy trưởng công trình là ông Lê Văn Hậu với bằng đại học kỹ thuật xây dựng do trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cấp. Tuy nhiên, xác minh từ nhà trường cho thấy văn bằng này không do trường cấp phát.

Hai lần gian lận chỉ trong nửa đầu năm 2025 đặt ra câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng như hiệu quả công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ dự thầu của các đơn vị mời thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, luật sư Nguyễn Hải Lăng, Giám đốc Công ty luật Hồng Hạnh Vân Canh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả trong đấu thầu là vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu, Luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này không chỉ làm méo mó tính cạnh tranh lành mạnh mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về tiến độ, chất lượng và an toàn công trình.

Theo luật sư Lăng, thực tế cho thấy nhiều nhà thầu tìm cách “lách luật” bằng việc khai man năng lực, nhân sự hoặc sử dụng hồ sơ không hợp lệ để đạt mục tiêu trúng thầu. Trong khi đó, việc phát hiện vi phạm thường chỉ xảy ra sau khi hợp đồng đã ký kết, khiến công tác xử lý và khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Lăng đề xuất các cơ quan chức năng cần nâng mức xử phạt cả về thời gian cấm thầu (có thể từ 5-10 năm), đồng thời xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gian lận có tổ chức. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đấu thầu như: Tích hợp cơ sở dữ liệu bằng cấp - chứng chỉ, xây dựng hệ thống kiểm tra chéo tự động để ngăn ngừa gian lận từ gốc.

Việc Trí Việt Investcons bị xử lý là tín hiệu tích cực cho thấy, sự quyết liệt của địa phương trong công tác quản lý hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, để bảo vệ hiệu quả đầu tư công, đảm bảo công bằng và minh bạch trong đấu thầu, đòi hỏi các bên liên quan cần siết chặt hơn nữa công tác giám sát và kiểm tra hồ sơ dự thầu, không để sai phạm lặp lại nhiều lần.

Kế Toại

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tri-viet-investcons-bi-cam-thau-3-nam-vi-gian-lan-ho-so-19225070112463716.htm