Triển khai bệnh án điện tử gặp khó, Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?
Cử tri phản ánh rằng hiện nay việc triển khai bệnh án điện tử gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực chuyên môn và hạ tầng kỹ thuật.
Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri TP Hải Phòng có ý kiến gửi Bộ Y tế, phản ánh rằng hiện nay việc triển khai bệnh án điện tử gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực chuyên môn và hạ tầng kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến huyện (cũ).
Do đó, cử tri kiến nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn lực (kinh phí, hạ tầng) và kỹ thuật (đào tạo, hướng dẫn) nhằm giúp các bệnh viện tuyến huyện triển khai hiệu quả bệnh án điện tử, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và quản lý y tế.

Theo công bố của Bộ Y tế, tính đến ngày 22-7, cả nước có 283 bệnh viện (công lập và tư nhân) đã triển khai bệnh án điện tử. Ảnh minh họa: TT
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phản hồi cụ thể.
Theo đó, về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện để triển khai bệnh án điện tử, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số y tế, bao gồm: Nghị quyết 193/2025, Nghị định 88/2025, Chỉ thị 07.
Các văn bản này đặt nền tảng cho chuyển đổi số y tế, hướng tới xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số; ứng dụng bệnh án điện tử để giảm sử dụng bệnh án giấy; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; hình thành bệnh viện thông minh và cơ sở dữ liệu y tế quốc gia.
Cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1150 về kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc giải quyết các vấn đề về chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh trên hệ thống RIS-PACS (hệ thống quản lý toàn diện hình ảnh y khoa) không in phim, kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp tài chính cho các cơ sở y tế.
Thông tư 13/2025 của Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn kỹ thuật triển khai bệnh án điện tử, cung cấp căn cứ pháp lý cho các cơ sở y tế thực hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xác định y tế là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, đề xuất đưa vào chương trình Chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Ngày 13-5, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 102/2025 quy định về quản lý dữ liệu y tế nhằm phát triển về hạ tầng dữ liệu y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030, sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Đề án này nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hỗ trợ các đơn vị y tế và địa phương triển khai chuyển đổi số toàn diện.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 96/2023, quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Nghị định mới mở rộng các hình thức thu hút nguồn lực xã hội vào lĩnh vực y tế, cho phép vay vốn đầu tư hạ tầng, thiết bị y tế; triển khai phương thức mua trả chậm, trả dần, mượn thiết bị; tiếp nhận tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo công bố của Bộ Y tế, tính đến ngày 22-7, cả nước có 283 trong tổng số hơn 1.500 cơ sở y tế (công lập và tư nhân) đã triển khai bệnh án điện tử.
Ngày 14-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về việc “Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử, hoàn thành trong tháng 9-2025.
Như vậy, các bệnh viện trên toàn quốc chỉ còn hơn 2 tháng để hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử. Với khối lượng công việc nhiều, phức tạp, đòi hỏi các đơn vị chức năng, bệnh viện phải quyết liệt để hoàn thành đúng lộ trình đề ra.