Triệt phá kho hàng khủng nguồn từ Trung Quốc, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc.
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương, hành vi trên có dấu hiệu buôn lậu xuyên biên giới tinh vi qua thương mại điện tử.
Diễn biến vụ việc, sáng 8/7, Đội Quản lý thị trường - QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra một kho hàng nằm trong khuôn viên Công ty Cổ phần Thương mại Đồng Tâm, phường Móng Cái 3, tỉnh Quảng Ninh.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện kho chứa tổng cộng 47.127 sản phẩm vi phạm, bao gồm: 16.166 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu với tổng giá trị khoảng 1,1 tỷ đồng; 15.511 sản phẩm hàng hóa nhập lậu trị giá khoảng 80 triệu đồng; và 15.450 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá khoảng 65 triệu đồng.

Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính 1,245 tỷ đồng (Ảnh: DMS).
Đáng chú ý, kho hàng này được thuê bởi ông Quang - một người vừa qua đời cách thời điểm kiểm tra vài tuần trước.
Ông Phạm Văn Công (em rể của ông Quang) cho hay, kho này được ông Quang thuê để cho một người Trung Quốc tên A PIN sử dụng làm nơi chứa hàng hóa.
Hợp đồng thuê kho được ký ngày 1/6/2025. Ông Công khẳng định số hàng hóa hiện có tại kho không thuộc sở hữu của ông Quang cũng như của bản thân mình.
Đoàn kiểm tra xác định đây là điểm trung chuyển cho hàng loạt đơn hàng được đặt qua nhiều tài khoản TikTok khác nhau, với nguồn hàng nhập từ trang thương mại điện tử 1688.com (Trung Quốc).
Phần mềm điều hành kho được lập trình bằng tiếng Trung, do người Trung Quốc phát triển và quản lý, không tích hợp với hệ thống quản lý trong nước. Nhân viên tại kho chỉ có nhiệm vụ in vận đơn có sẵn để chuyển cho đơn vị giao hàng.
Hệ thống phần mềm ghi nhận giao dịch từ ngày 15/2/2025 với tổng số tiền khoảng 12 triệu nhân dân tệ.
Tuy nhiên, do dữ liệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài và không có cơ chế liên kết với hệ thống thương mại điện tử trong nước, nên chưa thể truy xuất được danh tính các tài khoản TikTok liên quan, cũng như tổng số hàng hóa đã bán ra hay khoản lợi nhuận thu về.
Lực lượng quản lý thị trường nhận định, đây là một vụ việc điển hình cho thấy thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, núp bóng các nền tảng mạng xã hội và hệ thống phần mềm xuyên biên giới nhằm tránh bị truy vết.
Phương thức vận hành kho "ẩn danh", kết nối đa tài khoản và kiểm soát từ xa đang đặt ra thách thức lớn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại điện tử.
Hiện, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục điều tra, làm rõ chủ thể vi phạm. Vụ việc cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về việc kiểm soát công nghệ quản lý kho, nâng cao năng lực giám sát nền tảng số và phối hợp liên ngành giữa quản lý thị trường, an ninh mạng và hải quan trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển phức tạp.