Triệt tiêu hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp

Sáng 25/7, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' tổ chức Tọa đàm với chủ đề 'Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng'.

Chương trình tọa đàm được tổ chức với sự đồng hành của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội - Cơ quan thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cùng đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội tiêu dùng và đông đảo độc giả của Báo Kinh tế & Đô thị trên các nền tảng số.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh Thanh Hải

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh Thanh Hải

Thực trạng nhức nhối

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước được chuyển hóa thành hành động cụ thể - từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đến sự thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng của người dân. Đó là những dấu hiệu đáng mừng, là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Truyền thông - Người dân trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, song song với sự những thành công đó, thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó nổi bật là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng có diễn biến phức tạp. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo thương hiệu, không đảm bảo an toàn vẫn len lỏi trong hệ thống phân phối truyền thống lẫn các nền tảng thương mại điện tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, uy tín doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lành mạnh.

Không những vậy, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn là nguyên nhân làm suy giảm niềm tin xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất chân chính, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ, cuộc chiến chống hàng giả càng trở nên khó khăn hơn khi các thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đa dạng, ẩn danh và lan rộng.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Thanh Hải.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Thanh Hải.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ đô.

Từ nhận thức đến hành động, người dân Việt Nam ngày càng tin tưởng, lựa chọn và ưu tiên sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt sản xuất. Nhiều thương hiệu Việt đã dần khẳng định được vị trí, uy tín và chất lượng trên thị trường nội địa cũng như quốc tế. Sức tiêu thụ hàng Việt Nam đã sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội địa trở thành thói quen của người dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với một thực trạng nhức nhối: chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn còn tồn tại gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước…

“Điều này không chỉ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, mà còn làm giảm niềm tin vào hàng Việt, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính và ảnh hưởng tới uy tín của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…” - ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Thanh Hải.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Thanh Hải.

Hành động để lành mạnh hóa thị trường

Năm 2025, TP Hà Nội tiếp tục xác định Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.

Ông Phạm Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.

Để Cuộc vận động tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, doanh nghiệp và người dân về vai trò, ý nghĩa của Cuộc vận động trong tình hình mới; xây dựng ý thức tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm trong mỗi người dân.

Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đạt chất lượng cao. Đẩy mạnh việc nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng hành động thiết thực từ cả phía quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dung…

Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh Thanh Hải

Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh Thanh Hải

Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia và người tiêu dùng đã cùng thảo luận về những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường; xây dựng ý thức tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm trong Nhân dân.

Bên cạnh đó, thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên.

Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi khẳng định, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chúng ta không chỉ cần một hệ thống pháp lý mạnh mẽ và lực lượng chức năng chuyên nghiệp, mà còn cần sự đồng lòng và trách nhiệm của cả cộng đồng - đặc biệt là vai trò của người tiêu dùng và báo chí. Khi người tiêu dùng có đủ thông tin, đủ kỹ năng nhận diện và dũng cảm nói không với hàng giả, hàng nhái thì đó chính là một “lá chắn” hữu hiệu bảo vệ thị trường trong nước.

“Trong thời đại số, công tác truyền thông và báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, cảnh báo, phản biện và định hướng dư luận. Với trách nhiệm xã hội của mình, Báo Kinh tế & Đô thị cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái; lan tỏa thông tin tích cực, khuyến khích thói quen tiêu dùng có trách nhiệm và tôn vinh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, sáng tạo, lấy chất lượng làm nền tảng phát triển” - Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi khẳng định.

Thông qua tọa đàm “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Báo Kinh tế & Đô thị mong muốn nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhái, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

“Việc “nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” không chỉ là một hành động tiêu dùng văn minh mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái sẽ ngày càng hiệu quả hơn, góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh, công bằng, minh bạch và phát triển bền vững – nơi hàng Việt thực sự chiếm lĩnh niềm tin người Việt” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/triet-tieu-hang-gia-bao-ve-nguoi-tieu-dung-va-doanh-nghiep.783985.html