Triệt tiêu xăng lậu, xăng giả

Những ngày qua, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã mở lại phiên xét xử 'ông trùm' xăng giả Trịnh Sướng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng cùng 38 đồng bọn về tội 'Sản xuất, buôn bán hàng giả'. Vụ việc được phanh phui từ năm 2019 nhưng vẫn khiến dư luận bất bình, vì đến khi bị phát hiện, Trịnh Sướng và đồng bọn đã tiêu thụ hơn 150 triệu lít xăng giả ra thị trường.

Sự bức xúc của dư luận gia tăng thêm vì tại thời điểm này, Công an tỉnh Đồng Nai đang đấu tranh mở rộng Chuyên án 920G liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ 2,7 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (sinh năm 1957) và Nguyễn Hữu Tứ (sinh năm 1966) cầm đầu. Rõ ràng, nạn xăng giả, xăng lậu đã lộng hành tại nhiều tỉnh, thành từ nhiều năm qua nhưng giờ mới được triệt phá và xử lý rốt ráo.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của quốc gia, là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ người tiêu dùng...), cũng như sự quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền.

Thế nhưng, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu. Qua kiểm tra 10/40 doanh nghiệp đầu mối được cấp phép xuất nhập xăng dầu, Bộ Công thương sẽ tước giấy phép 4-5 doanh nghiệp có sai phạm nghiêm trọng như: điều chỉnh sai số thiết bị bơm xăng dầu vượt quá giới hạn cho phép; bán xăng dầu ngoài hệ thống; bán xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Qua các đường dây xăng giả, xăng lậu bị bóc gỡ gần đây cho thấy, hoạt động của các gian thương rất tinh vi, khó kiểm soát. Đồng thời, cho thấy, các kẽ hở và góc khuất của mặt hàng kinh doanh thiết yếu này đang bị các đối tượng lợi dụng khai thác để thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, quản lý thị trường, công an chỉ có thể kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ và khối lượng, trữ lượng của xăng dầu; trong khi xác định xăng dầu giả hay kém chất lượng lại thuộc ngành khoa học công nghệ. Thế nên, lực lượng chức năng ở nhiều nơi lúng túng khi phát hiện, xử lý sai phạm.

Theo các chuyên gia, với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng pha chế xăng, nếu chỉ bằng mắt thường rất khó để nhận biết xăng “thật”, xăng “giả”; vì màu sắc, độ sánh là tương đồng. Các đối tượng làm xăng giả dùng xăng nền A95 trộn với các dung môi, chất tạo màu hoặc dung môi trộn với chất kích RON, tạo màu để tạo ra các loại xăng dầu giả. Dung môi dùng pha chế xăng giả có thể dễ dàng mua trên thị trường và không đắt đỏ nên “siêu lợi nhuận” từ xăng giả khiến một số doanh nghiệp đã bất chấp luật pháp để làm ăn phi pháp.

Cùng với đó, mặt hàng xăng dầu phải chịu thuế, phí môi trường, tiêu thụ từ 50-60% nên nhiều cá nhân, tổ chức tìm mọi cách buôn lậu xăng dầu vào nước ta. Lợi dụng các tàu nước ngoài, chở xăng dầu đậu ở hải phận quốc tế, các đối tượng cho tàu áp sát mua xăng, dầu với giá rẻ. Sau đó, chuyển qua lại lòng vòng đến các cửa hàng bán lẻ trực thuộc khắp nơi để tiêu thụ.

Như vậy, những “lỗ hổng” trong quản lý hoạt động kinh doanh mua bán xăng dầu đã tạo cơ hội cho các đối tượng phạm pháp tiêu thụ mỗi ngày hàng ngàn lít xăng dầu lậu, xăng dầu giả đến người tiêu dùng.

Theo nhiều nhà quản lý, nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành là kịp thời chấn chỉnh, bịt ngay các kẽ hở bằng các biện pháp mạnh. Ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cần sửa đổi các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu để phù hợp với tình hình mới; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, BĐBP, Khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng ngành.

Trước mắt, để loại bỏ vấn nạn đang gây hậu quả rất xấu đến nền kinh tế, chính quyền các địa phương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh mặt hàng có điều kiện này, tăng mức xử phạt nặng đối với hành vi buôn bán gian lận và đóng cửa các cây xăng mua bán xăng giả.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/triet-tieu-xang-lau-xang-gia-post438939.html