Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa

Triều Tiên ngày 10-9 phóng 2 vật thể được cho là tên lửa xuống vùng biển phía đông nước này, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phát đi tín hiệu, họ đã sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ vào cuối tháng này.

Triều Tiên ngày 10-9 phóng 2 vật thể được cho là tên lửa xuống vùng biển phía đông nước này, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phát đi tín hiệu, họ đã sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ vào cuối tháng này.

Người dân Hàn Quốc xem tin tức truyền hình về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: AP

Người dân Hàn Quốc xem tin tức truyền hình về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: AP

Quan ngại sâu sắc

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, các tên lửa được phóng từ tỉnh Nam Phyongan vào lúc 6 giờ 53 và 7 giờ 12 (giờ Hàn Quốc), bay qua lãnh thổ Triều Tiên rồi rơi xuống ngoài khơi bờ biển phía Đông.

Các tên lửa này được cho là đã bay xa tối đa là 330km. "Quân đội theo dõi tình hình và duy trì tư thế sẵn sàng, đề phòng các vụ phóng tiếp theo", JCS cho biết. Một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết Washington đang theo dõi tình hình và tham khảo ý kiến các đồng minh. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản thông báo tên lửa của Triều Tiên không rơi xuống lãnh thổ hay Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này nên không gây ra đe dọa trực tiếp tới an ninh Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đang tiến hành phân tích chủng loại và tầm bay của loại tên lửa lần này.

Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ phóng vật thể mới nhất của Bình Nhưỡng. Ủy ban thường trực NSC đã tổ chức hội nghị trực tuyến khẩn cấp, dưới sự chủ trì của người đứng đầu Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, các thành viên NSC "đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên đang tiếp tục phóng các vật thể tầm ngắn từ tháng 5". Họ cũng xem xét lại tổng thể các điều kiện an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Gây sức ép đối với Mỹ?

Đây là vụ phóng thứ 8 của Triều Tiên trong hơn 1 tháng qua, và là vụ phóng thứ 10 của họ trong năm nay.

Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui, nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên về đàm phán hạt nhân với Mỹ, nói rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng tái khởi động đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân của họ vào cuối tháng này, theo thời gian và địa điểm hai bên thống nhất. Bà Choe nhấn mạnh, Washington cần đưa ra cách tiếp cận mới, nếu không đàm phán có thể sụp đổ thêm lần nữa. "Tôi tin rằng phía Mỹ sẽ đưa ra một đề xuất hướng đến lợi ích của cả Triều Tiên và Mỹ, dựa trên phương pháp tính toán được chúng tôi chấp nhận", bà Choe nói. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả tuyên bố của Triều Tiên khá "thú vị" và cho biết: "Chúng tôi sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra”, ông cho biết. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8-9 cũng tỏ ý hy vọng sẽ quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên trong những tuần tới.

Mặc dù các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên thử tên lửa nhằm nhiều mục đích, trong đó có việc phát triển kỹ thuật và tái đảm bảo về lực lượng quốc phòng, loạt vụ phóng ngày 10-9 nhiều khả năng đã được lựa chọn thời điểm để gửi thông điệp cho Washington. AP bình luận, tuyên bố của bà Choe và vụ phóng "tên lửa" vừa nêu nhằm gây sức ép buộc Mỹ phải nhượng bộ. Bình Nhưỡng được cho là muốn Washington đảm bảo an ninh và dỡ bỏ lệnh trừng phạt để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa hạn chế. Theo chuyên gia Daniel DePetris thuộc Viện nghiên cứu Những Ưu tiên Quốc phòng, có trụ sở tại Washington, loạt vụ phóng này có thể là ví dụ mới nhất về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un biến các vụ thử tên lửa thành tín hiệu ngoại giao. Ông DePetris phân tích: "Dù không thể biết chính xác ông Kim đang nghĩ gì, song câu trả lời đơn giản nhất có thể là chính xác nhất: Triều Tiên đang chứng minh chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không mang tới bàn đàm phán những đề xuất thiết thực".

Hồi năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố sẽ tạm ngừng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như các vụ phóng tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tất cả những tên lửa Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay đều là tầm ngắn, song các nhà phân tích cảnh báo rằng Triều Tiên đã phô diễn những tiến bộ công nghệ đáng kể, và có thể được sử dụng để tránh né những hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong khi đó, Triều Tiên nhấn mạnh họ phát triển vũ khí mới để chống lại những mối đe dọa quân sự và sức ép đối với an ninh của nước này, trong đó có các cuộc tập trận chung của Mỹ-Hàn.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_212405_trieu-tien-lien-tiep-phong-ten-lua.aspx