Trồng dược liệu - mô hình giảm nghèo ở Lang Chánh

Để xây dựng các mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã tập hợp bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia mô hình Tổ hợp tác (THT) và Hợp tác xã (HTX) để sản xuất bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo.

Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và chủ trương phát triển cây dược liệu đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, đồng bào vùng cao đã chuyển từ tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự phát sang mô hình liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa hiện đại, từ đó tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng “khỏe” hơn...

Thoát nghèo nhờ trồng cây đu đủ

Những năm trước hoa đu đủ đực là loại rau ăn hàng ngày của người dân vùng cao. Gần đây hoa đu đủ đực được chế biến thành bài thuốc quý trong điều trị các bệnh hiểm nghèo. Cùng với sự hỗ trợ của HTX Nông nghiệp An toàn và Hữu cơ Lang Chánh (Thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương) đồng bào dân tộc thiểu số tại Lang Chánh, Thanh Hóa đã chuyển đổi sang trồng loại cây này, mở hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lang Chánh đã chuyển đổi sang trồng cây đu đủ, mở hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lang Chánh đã chuyển đổi sang trồng cây đu đủ, mở hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo.

Bà Lương Thị Niệm, Giám đốc HTX Nông nghiệp An toàn và Hữu cơ Lang Chánh cho biết: Với nguồn tài nguyên sẵn có là đất đai của bà con nhân dân đang không biết trồng cây gì mới đem lại hiệu quả kinh tế tăng thu nhập, HTX đã mạnh dạn đưa cây đu đủ lấy hoa vào trồng, với những chính sách ưu đãi từ khâu giống đến chăm sóc, thu hái, bao tiêu đầu ra nên bà con yên tâm sản xuất.

Với 300 cây ra lứa hoa bói đầu tiên đã hái được 30 kg, năng suất đạt 0,1kg/1 cây. Với giá bán 28.000 đồng/1kg, người trồng thu về gần 1 triệu đồng chỉ trong 2 giờ thu hái. Mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng 1 tuần, tùy thời điểm. Từ năm thứ 2 trở đi, cây sẽ cho thu hoạch hoa với năng suất khoảng 0,5kg/cây, sang năm thứ 3, cây nào nhiều nhánh sẽ cho thu 1 - 2 kg hoa/đợt. Dự kiến năng suất thu hoạch đạt bình quân 8 tấn/ha/năm, lợi nhuận khoảng 150 triệu/ha.

“Nhờ giá trị kinh tế cao, mà có rất nhiều hộ dân khác của huyện Lang Chánh và các huyện miền núi trong tỉnh đăng ký với HTX đem vào gieo trồng với tổng diện tích trên 40ha, cho tín hiệu khả quan, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho bà con nông dân, nhất là các hộ nghèo”, bà Niệm cho hay.

Hiện nay, HTX đã triển khai mở rộng quy mô tới các huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn và được đông đảo bà con nhân dân đăng ký tham gia trồng, với mong muốn phát huy giá trị từ chính đất đai của gia đình, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để có cơ hội thoát nghèo.

Chị Lò Thị Tấm, thôn Kịnh, xã Văn Nho, huyện Bá thước quyết định trồng 4ha cây đu đủ lấy hoa, sau thời gian trồng gần 3 tháng, cây đu đủ đang phát triển tốt, đã cho thu bói lứa hoa đầu tiên, mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng 1 tháng. Từ năm thứ 2 trở đi, khoảng 30 - 40 ngày cây sẽ cho thu hoạch hoa một đợt với năng suất khoảng 0,5 kg/cây. Từ năm thứ 3 trở đi, cây nào nhiều nhánh sẽ cho thu 1 - 2 kg hoa/đợt.

Tại huyện Ngọc Lặc, nhận thấy lợi ích từ việc trồng cây đu đủ lấy hoa kèm chính sách từ cung ứng cây giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân của HTX Nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh, ông Lê Văn Tuấn, thôn Cao Sơn, xã Vân Am đã mạnh dạn đăng ký trồng gần 2ha. Qua quá trình trồng, chăm sóc, ông nhận thấy cây đu đủ rất phù hợp và phát triển tốt trên đồi đất của gia đình.

Giám đốc HTX cho biết, trong thời gian tới HTX sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc để sấy và chế biến hoa đu đủ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm chất lượng, tham gia sản phẩm OCOP.

Phát huy lợi thế của địa phương

Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu; trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý như ba kích, đinh lăng, hòe, hương nhu trắng, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo…, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: Lang Chánh, Bá Thước... Do đó, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Huyện Lang Chánh đang tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Huyện Lang Chánh đang tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

“Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và chủ trương phát triển cây dược liệu ở Thanh Hóa góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi. Qua đó, thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt là tư duy trong sản xuất của người nông dân ở vùng miền núi, từ việc chuyển đổi cây trồng có giá trị thấp sang trồng loại cây giá trị theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao...”, đại diện ngành nông nghiệp khẳng định.

Trên thực tế, huyện Lang Chánh đã có chủ trương phát triển cây dược liệu từ trước năm 2020 và nhiều người dân đã tham gia trồng. Tuy nhiên do đầu ra sản phẩm không ổn định, nên nhiều người dân không mặn mà với loại cây trồng này. Từ khi Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung ký cam kết với UBND huyện và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các HTX dịch vụ nông nghiệp thì hướng đi này mới thực sự phát huy hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đặc biệt, các loại cây dược liệu mà công ty CP Đông Nam dược Miền Trung đang mở rộng diện tích đều là dược liệu thiết yếu, rất cần cho nhu cầu thị trường, cũng như phục vụ công tác điều trị bệnh nhân ở các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, lại phù hợp với tập quán canh tác của người dân. "Hiện tại, dược liệu thô và các sản phẩm được chiết xuất từ dược liệu của công ty chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như các đơn hàng mà công ty đã ký kết hợp tác.Vì vậy, công ty rất mong muốn được mở rộng liên kết với các HTX trong huyện", đại diện công ty cho biết.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX

Để sớm thoát khỏi huyện nghèo trước năm 2025 như mục tiêu đề ra, huyện Lang Chánh đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chia sẻ về quyết tâm sớm đưa Lang Chánh thoát khỏi huyện nghèo trước năm 2025, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, nhấn mạnh: Lang Chánh có thế mạnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp và du lịch. Mặc dù là huyện miền núi, nhưng các tuyến đường giao thông kết nối đến huyện đã được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp thuận lợi cho việc giao thương.

Ngoài ra, Lang Chánh có vị trí thuận lợi để phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Quan điểm của lãnh đạo huyện là tập trung tối đa cho các doanh nghiệp, HTX có năng lực, tạo việc làm cho người dân. Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất các doanh nghiệp, HTX sẽ tạo việc làm cho khoảng 5 nghìn người và đến năm 2030 sẽ có khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn người có việc làm.

Huyện xác định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong hỗ trợ, liên kết, phát triển kinh tế hộ, những năm qua, huyện Lang Chánh đã chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Toàn huyện hiện có 19 HTX, trong đó có 13 HTX dịch vụ nông nghiệp, 3 HTX chế biến lâm sản, 3 HTX dịch vụ thương mại. Các HTX trên địa bàn huyện thu hút trên 7.000 thành viên tham gia. Phần lớn các HTX đã và đang tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, huy động vốn, đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh, mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng dịch vụ cơ giới hóa; cải tạo, nâng cấp lưới điện, trạm bơm, duy tu bảo dưỡng và xây mới kênh mương nội đồng.

Phát triển, mở rộng các khâu dịch vụ sản xuất rau an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của thành viên; đồng thời, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn, hiện nay, UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể cho các phòng, các đơn vị. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các HTX tập trung làm tốt dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm, từng bước mở rộng ngành nghề.

Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ phục vụ, từ đó đóng góp tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/trong-duoc-lieu-mo-hinh-giam-ngheo-o-lang-chanh-1094377.html