Trông mặt bắt hình dong?

1. Chị chạy chiếc Honda Lead địu thêm đứa con khoảng 2 tuổi, vượt qua tôi rồi đột ngột rẽ trái qua đường. Một thanh niên chạy Exciter khá nhanh trên chiều ngược lại, thắng gấp, đánh tay lái, nhưng cũng quệt vào đuôi xe chị. Cả hai đều ngã, sẵn trớn chiếc Exciter trượt một đoạn, cậu kia văng ra lộn mấy vòng. Tất cả hiển hiện trước mắt tôi chỉ hơn 10 m. Hai mẹ con chị chỉ ngã nhẹ, đã đứng lên, mặt tái đi vì sợ, chị ôm chặt đứa bé mà xem chừng cũng không việc gì. Người thanh niên kia lồm cồm ngồi dậy, tôi thấy hai cánh tay đầy hình xăm rớm máu vì những vết trầy lớn do cày xuống đường.

Cậu đau đớn nhăn nhó, nhưng rất nhanh lao tới hai mẹ con, gần như giằng đứa bé trên tay chị, ôm vào lòng rồi xăm soi khắp người để kiểm tra. Cậu nói gì với người phụ nữ kia tôi không nghe rõ, chỉ thấy nét căng thẳng trên mặt chị như giãn ra. Người thanh niên dựng chiếc Lead lên, chị vỗ vai người tông mình, lên xe tiếp tục đi. Chiếc Exciter vẫn chỏng gọng sát con lươn, chủ nhân chẳng buồn coi ngó, ngồi bệt xuống đường ra vẻ mệt lắm.

Tiến tới gần, tôi hỏi thăm, người thanh niên bảo: “Cháu hơi choáng một chút thôi, không sao bác”. “Đến bệnh viện kiểm tra cho chắc đi cháu”. “Cháu chỉ lo cho họ, cháu ổn…”. Tôi nói thêm: “Chú chứng kiến vụ việc, lỗi ở chị kia”. “Một phần cũng do cháu chạy nhanh, tránh không kịp”. Nhìn người thanh niên, tôi bỗng thấy những hình xăm trổ trên tay cậu ấy đẹp quá. Một cách tự nhiên, tôi đã không còn thành kiến nặng nề gì với những người xăm mình, tóc xanh tóc tím, nhất là giới trẻ.

Không thành kiến, nhưng vẫn luôn có một khoảng cách, một sự dè chừng nào đó chẳng thể giải thích được. Một lần đi xe buýt ở TP. Hồ Chí Minh, tôi chứng kiến một cậu có kiểu tóc hai mái bên xanh bên vàng nhanh nhảu đứng lên nhường chỗ cho người phụ nữ mang thai vừa bước lên xe, trong khi những người ngồi quanh có bộ dạng và trang phục “nghiêm túc” thì bình chân như vại. Qua chuyện nhỏ đó, tôi đã thoáng hơn trong cái nhìn về những người trẻ nổi loạn qua hình dáng và cách ăn mặc của họ. Đến vụ tai nạn giao thông mới đây với cách xử sự của một chàng trai xăm trổ đầy mình mà tôi chứng kiến thì chuyện “trông mặt bắt hình dong” hay “nhìn trang phục, đoán tư cách” liệu còn giá trị tuyệt đối?

Ảnh minh họa: INTERNET

Ảnh minh họa: INTERNET

2. Những trào lưu của giới trẻ luôn nhận được ánh mắt không thiện cảm của các thế hệ đi trước, nếu không nói quá là “chướng tai gai mắt”. Một ông mới qua tuổi 60, chơi Facebook vài năm nay, không bao giờ kết bạn với người trẻ vì ngôn ngữ tuổi teen kiểu bây giờ là không chấp nhận được. Lỡ là bạn rồi mà phát hiện mấy trạng thái có thêm thắt những từ như “cmnr, vcl...”, ông ta block (chặn) ngay lập tức.

Tôi đã kéo mình về ký ức của vài chục năm trước, lúc còn mười tám, đôi mươi rồi cùng nhìn lại. Cũng tiếng lóng, nói lái, cũng sáng tạo ngôn ngữ riêng cho nhóm, cho giới của mình, tóc tai, ăn nói, trang phục xem chừng rất “chướng mị dị kỳ”. Thời đó, chúng tôi cũng đã phải đón nhận những cái nhăn mặt, nhíu trán của cha ông mình.

Hòa hợp giữa các thế hệ khó lắm, dù một đời người đều trải qua từng giai đoạn tuổi tác với những đặc thù tâm lý riêng, mình đã từng như vậy thì cũng đừng nên khắt khe với thế hệ sau vì những biểu hiện mang tính nhất thời và vô thưởng vô phạt, miễn đừng phá vỡ quy chuẩn về đạo đức và thuần phong mỹ tục (cái này thì luôn đồng nhất giữa các thế hệ). Cách ứng xử của người thanh niên xăm trổ trong vụ tai nạn kể trên làm tôi sáng ra rằng, những hình xăm trên tay cậu ấy chẳng liên quan gì đến nhân cách.

NGUYỄN SƠN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202007/trong-mat-bat-hinh-dong-5691630/