Trọng tâm chiến lược

Nhà trắng đã thông báo một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng tuần này, gồm các chuyến công du nước ngoài lần đầu của giới chức cấp cao ngoại giao, quốc phòng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cùng cuộc đối thoại đầu tiên với Trung Quốc. Các kế hoạch này cho thấy, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn xác định là trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại.

Nhà trắng đã thông báo một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng tuần này, gồm các chuyến công du nước ngoài lần đầu của giới chức cấp cao ngoại giao, quốc phòng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cùng cuộc đối thoại đầu tiên với Trung Quốc. Các kế hoạch này cho thấy, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn xác định là trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại.

Thông báo từ Nhà trắng cho biết, tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken và Bộ trưởng Quốc phòng L.Au-xtin cùng có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Tô-ki-ô, hai Bộ trưởng cùng những người đồng cấp nước chủ nhà dự cuộc họp Ủy ban tham vấn an ninh Mỹ - Nhật Bản, theo cơ chế “2+2”, vào ngày mai (ngày 16-3). Bộ trưởng Blin-ken cũng có cuộc trao đổi trực tuyến với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản. Tại Xơ-un, ngày 17-3, hai quan chức cấp cao Mỹ tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc.

Kết thúc chuyến công du các nước đồng minh ở Đông - Bắc Á, ngày 18-3, tại A-la-xca (Mỹ), Bộ trưởng Ngoại giao A.Blin-ken cùng Cố vấn an ninh quốc gia G.Xu-li-van hội đàm với các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc về đối ngoại, trong cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung Quốc lần đầu kể từ khi Mỹ có chính phủ mới. Ngày 19-3, Bộ trưởng Quốc phòng L.Au-xtin tiếp tục tới Ấn Độ, cùng người đồng cấp nước chủ nhà thảo luận về tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược Mỹ - Ấn Độ.

Nhìn vào các điểm đến, cũng như chương trình nghị sự dày đặc trong chuyến công du châu Á và cuộc đối thoại của giới chức hàng đầu Nhà trắng với đối tác Trung Quốc trong tuần này, có thể thấy, chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn dành ưu tiên và sớm lên kế hoạch củng cố các quan hệ đồng minh chủ chốt, cũng như giải quyết khúc mắc với đối tác. Ngay trước chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao A.Blin-ken nhấn mạnh, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng nhất và Mỹ khẳng định duy trì cam kết với các liên minh cốt lõi tại Đông - Bắc Á. Trước khi lên đường, Bộ trưởng Quốc phòng L.Au-xtin cũng nêu rõ, mục đích chuyến công du là tăng cường các mối quan hệ đồng minh và đối tác, đóng góp duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Về cuộc tiếp xúc lần đầu giữa giới chức cấp cao chính quyền mới của Mỹ với các đối tác Trung Quốc, Nhà trắng nhấn mạnh, đây là cuộc đối thoại quan trọng và được tiến hành trên lãnh thổ Mỹ, sau các cuộc tham vấn của Oa-sinh-tơn với các đồng minh, đối tác. Hai bên sẽ đối thoại thẳng thắn và cởi mở, ưu tiên tìm kiếm cơ hội hợp tác và không né tránh những vấn đề cạnh tranh, khúc mắc. Bình luận về kế hoạch tiếp xúc giới chức Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh hy vọng hai bên cùng đánh giá một cách khách quan và hợp lý, hướng tới đưa quan hệ hai nước phát triển lành mạnh và ổn định.

Các chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cùng kế hoạch đối thoại với Trung Quốc được các quan chức ngoại giao, quốc phòng hàng đầu của Mỹ thực hiện ngay sau Hội nghị cấp cao lần đầu của nhóm Bộ tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a cuối tuần trước. Tại đây, Tổng thống G.Bai-đơn đã xác nhận với các nhà lãnh đạo đối tác rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở là lợi ích thiết yếu của cả bốn nước và Mỹ cam kết hợp tác trong các nỗ lực bảo đảm an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Trước đó, khi công bố văn kiện Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời, Tổng thống G.Bai-đơn đã nêu rõ, lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ gắn liền mối quan hệ sâu sắc với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Tây bán cầu.

CHUỖI hoạt động ngoại giao được Mỹ thực hiện liên tiếp trong tuần này được dư luận hết sức quan tâm, bởi đây là các sự kiện đối ngoại lớn và được thực hiện vào thời điểm sớm trong nhiệm kỳ của chính quyền mới ở Mỹ. Trong đó, hợp tác với châu Á tiếp tục được Mỹ ưu tiên và xác định là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

BẮC SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/trong-tam-chien-luoc-638439/