Tròng trành mặt chợ trên sông

Chợ nổi trên sông là nét văn hóa tồn tại hàng trăm năm cùng với lịch sử khẩn hoang miền Nam. Ngày nay, giao thông đường bộ phát triển thay thế dần hệ thống kênh xáng, rạch vàm chằng chịt của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng văn hóa chợ nổi dường như không mất đi mà còn trở nên đặc sắc và cần thiết trong đời sống hằng ngày của người dân địa phương. Chợ không chỉ là nơi mua bán, mà còn là hiện thân của đời sống văn hóa tinh thần, nơi 'cắm sào' cho tâm hồn những con người miền sông nước.

Chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng. Ảnh: TTH

Chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng. Ảnh: TTH

Toàn bộ đồng bằng lưu vực sông Mê Kông ở Nam bộ hiện nay còn 3 chợ nổi đặc sắc nhất là: Chợ nổi Cái Răng ở ngay trong thành phố Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp ở thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang và chợ nổi Ngã Năm ở Thạnh Trị, Sóc Trăng. Có thể thấy ở đây khung cảnh buôn bán sầm uất, đời sống người Nam Bộ với sản vật phong phú, hấp dẫn, nhất là nông sản miệt vườn trù phú.

Thường chợ họp ở nơi giao cắt các con sông, giống như điểm kết nối, giao lưu giữa các vùng cây trái, các nút giao nhau của đường giao thông. Chợ là cả một thế giới khác biệt, khoáng đạt và rộng mở trên bao la sông nước, hàng hóa xếp trên ghe qua lại, lướt đi trên mặt sông là những nét mặt rắn rỏi nhưng hiền lành của người miền Tây Nam bộ.

Tôi ở lại phiên chợ Ngã Bảy - Phụng Hiệp, nơi bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu” đã vang lên ở khúc sông này từ năm này qua tháng khác mà lời ca vẫn man mác như cái tình của dân thương hồ sông nước Nam Bộ. Bây giờ, dân du lịch trong hành trình của mình không thể bỏ qua chợ Ngã Bảy cũng chỉ vì bài ca cổ trứ danh đó. Chỗ nào trên phiên chợ sông dường như cũng thoáng thấy “ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên dòng sông Ngã Bảy” như lời ca tha thiết thuở nào. Cũng có lẽ bài hát đã nói cả cái tình của người Nam Bộ gửi vào mỗi phiên chợ. Chợ không chỉ để mua bán, chợ là điểm giao thương, giao tình. Có lẽ, Nam Bộ phát triển với một tư duy thương mại, sản xuất hàng hóa nông sản cởi mở hơn, rộng lớn hơn cũng từ những phiên chợ giao lưu từ rất nhiều vùng miền này mà ra.

Một anh bán chiếu - mặt hàng thủ công trước đây được làm từ một loại cây ngập mặn mãi mạn Cà Mau mới có, đi tìm một cô gái trồng sầu riêng ở mé Đồng Tháp Mười. Cuộc tình đẹp thế để giãi bày, để minh chứng cho nét đẹp của cuộc sống sinh hoạt miền sông nước mà các phiên chợ nổi là điểm mấu chốt, là điểm hẹn.

Chợ Ngã Bảy, Ngã Năm là nơi các ngả sông tụ về tạo thành đầu mối giao thương trọng yếu và cũng lấy luôn mặt sông đó làm đầu mối giao dịch, trung chuyển hàng hóa, rồi ăn uống sinh hoạt cũng ở trên sông. Dần dần rồi chiếc ghe nhỏ cũng là nhà của dân thương hồ, như một căn hộ trên sông, lênh đênh kiếm sống từ dọc các con kênh ra chợ.

Chợ nổi Ngã Năm, Ngã Bảy không hẳn là những nơi đầu chợ huyên náo ì xèo tụ tập dân thương hồ lưu tán ở các miệt sông đổ về, chợ trên mặt sông êm đềm yên ả, dịu mát trong cái nắng lúc nào cũng gay gắt của Tây Nam Bộ. Dấu ấn của hàng trăm năm đào kênh xáng ngang dọc miền Tây tụ cả về đất này. Đặc biệt, đây là nơi giao cắt của các ngả sông luôn chứng kiến những chuyến ghe thuyền hối hả đổ về chợ, nhưng không hề có va chạm dữ dội của các dòng chảy xung đột. Ngược lại, chợ nổi là nơi hòa trộn hiền lành của nhiều loại phù sa từ những miền khác nhau đưa về.

Ở chợ Ngã Năm, mé sông nào cũng quen biết nhau cả, thương hồ từ Cà Mau đi lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thạnh Trị qua và Phụng Hiệp đi xuống, hòa quyện và đắp đổi cho nhau mỗi ngày. Những ghe treo cây bẹo lủng lẳng mấy thứ hàng hóa để người mua nhận mặt, còn hàng hóa để trong khoang, muốn mua sỉ, mua lẻ gì cũng được. Trên sông Ngã Năm, mỗi mùa, những cây bẹo treo nông sản cũng thay đổi màu sắc khác nhau. Chỉ cần nhìn mỗi cây bẹo ở chợ nổi, có thể biết nông dân Nam Bộ trúng mùa hay mất mùa, ăn gì, bán gì, thậm chí là mùa này sẽ xuất khẩu loại nông sản nào.

Chợ nổi Ngã Năm hiện nay là phiên chợ nổi đặc trưng nhất vẫn còn giữ được gốc, dáng vẻ tinh thần của văn hóa chợ nổi miền Tây. Vì vậy, nơi này trở thành điểm du lịch thú vị cho khách du lịch muốn tìm hiểu và khám phá bản chất gốc lõi của cuộc sống miền Tây Nam Bộ. Lịch sử ghi lại, vùng đất Ngã Năm mới được chính thức khai phá vào đầu thế kỷ 19 trong chính sách khai hoang vùng châu thổ sông Cửu Long của Triều Nguyễn. Vào thời điểm đó, Ngã Năm còn nhiều rừng rậm, đa số là tràm và lau sậy, dân cư thưa thớt.

Trong kế hoạch khai thác Đông Dương từ năm 1900 - 1924, thực dân Pháp cho xáng đào nhiều kênh lớn mang tính chiến lược, nhằm khai thác vùng đất mới hoang dã này. Sau đó mới có kênh Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, Ngan Dừa - Cầu Sập, Giá Rai - Phó Sinh, Long Mỹ - Phú Lộc. 2 con kênh đào là kênh Xáng và kênh Quản lộ Phụng Hiệp cắt ngang con sông tự nhiên tạo thành 5 nhánh sông đổ về 5 ngả, từ đó mới ra đời tên riêng Ngã Năm. Ngã Năm chính là điểm giao cắt 5 con sông và chợ nổi Ngã Năm nằm ở điểm hội tụ của 5 dòng sông đó.

Mỗi con sông Nam Bộ là cuộc sống, là phù sa nuôi sống cơm ăn, áo mặc của hàng triệu người. Sự trù phú của các miệt sông, mùa nào thức ấy bày cả ra trên sóng nước. Tết đến, ghe chở bông, cây kiểng trăm ngàn màu sắc đậu kín ở chợ. Mùa nước nổi, tôm cá nhảy tanh tách trong những chiếc cần xé đan bằng cật tre hai người khiêng không nổi. Rồi mùa trái cây, sầu riêng, măng cụt, sa pô chê, nhãn, chôm chôm đường... thơm lừng. Trái nào cũng như được lựa từ trăm chọn lấy một...

Để khi rời xa, ai cũng nhớ đến nao lòng lao xao tiếng trả giá, tiếng gọi ghe để tải hàng, tiếng bình phẩm, cả tiếng than van mất mùa, tiếng cười sang sảng trúng vụ trộn vào nhau.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trong-tranh-mat-cho-tren-song/