[Trực tiếp] Tọa đàm 'Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn'

Để đồng hành cùng tiến trình cải cách chính sách điều hành tín dụng và tạo diễn đàn đối thoại đa chiều giữa giới chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các chủ thể trên thị trường, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức đối thoại chuyên đề: 'Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn'.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng một bước cải cách quan trọng trong điều hành tín dụng. Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước từng bước dỡ bỏ các biện pháp quản lý hành chính trong phân bổ tín dụng, chuyển sang điều hành theo nguyên tắc thị trường, dựa trên bộ tiêu chí kiểm soát rủi ro tín dụng mang tính khoa học, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Triển khai chỉ đạo này, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp với thực tiễn thị trường và năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là bước chuyển đổi quan trọng, đòi hỏi sự đồng bộ về thể chế, khung pháp lý, năng lực tài chính và năng lực quản trị rủi ro trong toàn hệ thống ngân hàng.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò kết nối giữa chính sách và thị trường, đồng thời tạo không gian trao đổi chuyên sâu giữa các chuyên gia, cơ quan quản lý và các chủ thể thị trường về định hướng cải cách cơ chế phân bổ tín dụng; cũng như cung cấp thêm kênh thông tin mang tính lý luận và thực tiễn cho quá trình hoạch định chính sách tín dụng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức buổi đối thoại chuyên đề: “Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn”.

Tọa đàm đi sâu phân tích 6 vấn đề:

1. Những điều kiện cần và đủ để xóa bỏ hạn mức tín dụng như: Mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng.

2. Tác động đến xếp hạng tín nhiệm hệ thống ngân hàng và quốc gia khi xóa bỏ hạn mức tín dụng.

3. Cơ chế để các ngân hàng thương mại nhà nước chủ động tăng vốn kịp thời đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) đáp ứng tốc độ tăng trưởng tín dụng khi xóa hạn mức.

4. Cách thức kiểm soát rủi ro chạy đua mở rộng tín dụng khiến dòng vốn chệch hướng chảy vào các lĩnh vực đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, tạo ra bong bóng giá tài sản như giai đoạn trước năm 2010 khiến nền kinh tế lao đao bởi lạm phát.

5. Khi gỡ bỏ "room" tín dụng, cơ chế nào sẽ bảo vệ thị trường khỏi rủi ro vốn tín dụng chảy vào “sân sau” khi một số ngân hàng vẫn còn hiện tượng sở hữu chéo.

6. Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và các kênh dẫn vốn khác để tín dụng không tăng trưởng nóng dẫn đến rủi ro lạm phát, nợ xấu, làm mất an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính quốc gia.

Khách mời tham dự tọa đàm gồm:

- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam;

- Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam;

- Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Đại học VinUni; Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước);

- Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup;

- Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank);

- Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và nghiên cứu, Công ty TNHH Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), tham gia trực tuyến từ TP. Hồ Chí Minh;

- Nhà báo Phan Linh, Ban Tài chính – Ngân hàng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ điều hành đối thoại.

Tọa đàm phát sóng lúc 14h Thứ Sáu, ngày 25/7/2025 trên VnEconomy.vn và các nền tảng Fanpage/Youtube của VnEconomy.

Đồng thời, toàn bộ nội dung đối thoại sẽ được tập hợp thành Tiêu điểm và đăng trên các ấn phẩm Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times.

Trân trọng kính mời Quý độc giả theo dõi!

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/truc-tiep-toa-dam-co-che-kiem-soat-tin-dung-thay-the-han-muc-bang-bo-tieu-chi-an-toan.htm