Trung Đông 2023: Những chuyển động đa chiều

Trung Đông trải qua một năm đầy biến động với những chuyển động đa chiều phức tạp. Cuộc xung đột đẫm máu giữa Hamas và Israel bùng phát ở dải Gaza đã làm chệch hướng xu thế hòa giải, xích lại gần nhau diễn ra trong suốt nhiều tháng đầu năm 2023, dập tắt triển vọng hòa bình, ổn định ở khu vực.

Xung đột tàn khốc ở dải Gaza kéo dài sang tháng thứ ba, dễ làm người ta quên đi rằng bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab và gắn kết khu vực mới là xu hướng chủ đạo định hình cục diện Trung Đông năm 2023. Trở lại những tháng đầu năm, việc Saudi Arabia và Iran bình thường hóa quan hệ đánh dấu bước chuyển ngoạn mục từ thế đối đầu sang hợp tác giữa hai cường quốc khu vực. Sự hòa thuận giữa hai quốc gia nổi bật góp phần tháo ngòi xung đột, đưa thế giới Hồi giáo tiến gần hơn tới tương lai đoàn kết.

">

">

Ảnh minh họa:VOV

Bổ sung cho xu thế tích cực đó là quan hệ Iran-Iraq được cải thiện, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ, cùng với sự tham gia trở lại của Syria vào Liên đoàn Arab sau 11 năm bị tẩy chay, chứng tỏ nỗ lực đoàn kết thế giới Hồi giáo vốn đầy gian nan đang được hưởng những trái ngọt.

Nhưng những hy vọng về một khu vực đoàn kết, chung sống hòa bình đã bị phủ bóng bởi cuộc xung đột Hamas-Israel. Chính nó đã phá tan các cuộc đàm phán và đẩy nỗ lực bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia vào ngõ cụt. Còn nhớ năm 2021-2022, Israel lần lượt đạt thỏa thuận nối lại quan hệ với các nước Arab, mở ra một hướng tiếp cận mới trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực. Nhưng năm 2023, cuộc xung đột ở Gaza đã làm chậm lại tiến trình bình thường hóa quan hệ hai bên, thậm chí chứng kiến sự suy thoái. Không chỉ Saudi Arabia, Bahrain-quốc gia ký thỏa thuận nối lại quan hệ với Nhà nước Do Thái đã đình chỉ quan hệ kinh tế với Israel.

Một điều rõ ràng là mối quan hệ Israel-Arab đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận đối với hòa bình và ổn định ở khu vực. Bởi vậy, cục diện “gió đảo chiều” này càng phản ánh rõ những chuyển động bất định ở khu vực nhiều bất ổn. Ngay cả đang ở trong bối cảnh lạc quan nhất cũng phải luôn sẵn sàng đối mặt với những tình huống xấu hơn xảy đến bất cứ lúc nào, mà cuộc xung đột giữa Hamas và Israel là ví dụ điển hình. Chỉ có điều, lần này bạo lực đang bị đẩy đi quá xa, biến thành cuộc chiến chết chóc nhất trong vòng 50 năm qua ở khu vực, với sinh mạng của hơn 21.000 người bị cướp đi và 60.000 người bị thương. Con số gây bàng hoàng này chắc chắn chưa dừng lại, cùng với đó là những hệ lụy khôn lường, mà trước mắt là một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở Gaza. Xa hơn nữa, nguy cơ một cuộc chiến toàn diện mang bóng dáng “cuộc chiến ủy nhiệm” ở khu vực đang chực chờ khi các lực lượng vũ trang lớn như Hezbollah hay Houthi tăng cường tung các đòn tấn công nhằm vào các mục tiêu Israel để bày tỏ sự ủng hộ với Palestine liên quan tới cuộc xung đột ở Gaza.

Có thể nói, trong năm 2023, những chuyển động đa chiều ở khu vực đã diễn ra trên cả hai xu hướng hòa giải và xung đột. Xung đột ở Gaza đang tạo ra mặt trận đoàn kết thế giới Arab Hồi giáo nhưng lại ngăn chặn triển vọng bình thường hóa quan hệ Israel-Arab. Trung Đông mặc dù vẫn tiếp tục là tâm điểm của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường, nhưng cách tiếp cận khác nhau của các nước lớn, chưa kể chính sách thiên vị và áp dụng “tiêu chuẩn kép” càng khiến cục diện khu vực thêm rối ren. Việc các nước lớn thúc đẩy một số sáng kiến thiết lập các quan hệ đối tác nhỏ như “tiểu đa phương” hay đa phương mới, lôi kéo đồng minh, hình thành nên những liên minh kinh tế, chính trị với một số nước khu vực đã cản trở nỗ lực gắn kết khu vực vốn đang là xu hướng nổi bật, thậm chí trở thành nhân tố gây thêm chia rẽ. Sự can dự của các nước bên ngoài cho dù dưới hình thức nào cũng đẩy các nước ở khu vực vào thế khó xử và xung đột lợi ích, làm suy yếu vai trò chủ thể tự quyết định vận mệnh và tương lai của chính mình.

Một loạt vấn đề nóng: Xung đột Hamas-Israel kéo dài cản trở tiến trình hòa bình Palestine-Israel, mối quan hệ mong manh Israel-Arab cùng xu thế hòa giải chưa đủ để ngăn chặn nguy cơ chia rẽ luôn tiềm ẩn ở khu vực trong năm 2023 đang đẩy Trung Đông trước ngưỡng cửa của một năm đầy khó khăn và âu lo trên những nền tảng không chắc chắn.

Một số câu hỏi lớn được đặt ra, đó là: Chiến tranh ở Gaza sẽ kết thúc khi nào và kết thúc ra sao? Những gì xảy ra sau đó sẽ tác động ra sao đến tình hình khu vực năm 2024? Chưa thể có câu trả lời chính xác vào thời điểm này, nhưng có thể thấy cho dù thế nào, Trung Đông sẽ tiếp tục phải gánh những hệ lụy không nhỏ trong năm 2024 từ cuộc chiến đang tạo ra những hậu quả không tiền khoáng hậu.

Những bất định trong năm 2023 sẽ khiến Trung Đông bước sang năm tiếp theo với không nhiều hy vọng về một bước đột phá cho triển vọng hòa bình, cho dù xu hướng hòa giải sẽ tiếp tục được thúc đẩy, bởi những nút thắt chưa được tháo gỡ. Đó là cuộc xung đột Palestine-Israel, vấn đề hạt nhân Iran, nội chiến ở Syria và nhất là xu thế cạnh tranh nước lớn ở khu vực luôn đẩy khu vực vào tình thế khó đoán định. Cục diện ở Trung Đông năm tới và những năm tiếp theo có thể sẽ phải trông đợi vào tác động từ những chính sách mới ở Washington sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 hay những biến chuyển chính trị đang được phán đoán ở Israel thời gian tới.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/trung-dong-2023-nhung-chuyen-dong-da-chieu-758243

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/633683-trung-dong-2023-nhung-chuyen-dong-da-chieu.html