Trung Quốc-Australia: Mối quan hệ cộng sinh từ mặt hàng 'tốt hơn cả vàng', Bắc Kinh vẫn phải 'nghiến răng' chi tiền

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trước mắt, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc 'nghiến răng' tiếp tục mua quặng sắt của Australia, ngay cả khi quan hệ song phương đang căng thẳng.

Những vách đá đỏ giàu quặng sắt ở vùng Pilbara, Australia. (Nguồn: ABC News)

Những vách đá đỏ giàu quặng sắt ở vùng Pilbara, Australia. (Nguồn: ABC News)

Lái xe dọc theo cao tốc Great Northern Highway qua vùng Pilbara xa xôi của miền Tây Australia vào lúc mặt trời mọc thực sự là một trải nghiệm độc đáo.

Một khung cảnh với sắc vàng, đỏ và xanh lá cây bao quanh, bầu trời rực rỡ với sắc hồng và không khí trong lành.

Bên dưới vẻ đẹp tự nhiên đó là thứ rất có có giá trị nhất đối với Australia - quặng sắt, thứ nguyên liệu để sản xuất ra sắt, thép, những mặt hàng vô cùng quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào.

Mặt hàng này đã giúp Australia giảm thâm hụt ngân sách 50 tỷ USD, là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tốt như vàng, thậm chí hơn vàng

Đầu tháng 5 năm nay, quặng sắt giao ngay trên thị trường thế giới đã đạt mức giá kỷ lục mọi thời đại, 240 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với mốc 190 USD/tấn vào thời kỳ đỉnh điểm cách đây 1 thập niên.

Là nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất trên thế giới, rõ ràng, Australia đã thu được rất nhiều tiền từ mặt hàng được cho là có giá trị hơn cả vàng này.

, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên liên bang Australia Keith Pitt trong chuyến công tác tại mỏ Mt Whaleback của BHP. (Nguồn: ABC)

, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên liên bang Australia Keith Pitt trong chuyến công tác tại mỏ Mt Whaleback của BHP. (Nguồn: ABC)

Trong chuyến thăm mỏ Mt Whaleback với lịch sử 53 năm hoạt động của tập đoàn khai thác và xuất khẩu quặng sắt BHP ở Pilbara, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên liên bang Australia Keith Pitt cho biết: "Australia đã ghi nhận giá quặng sắt cao kỷ lục, và kỳ vọng trong năm tài chính 2021 (kết thúc vào tháng 6 tới), giữa bối cảnh đại dịch, Australia sẽ phá vỡ mọi kỷ lục về xuất khẩu năng lượng và tài nguyên".

BHP là doanh nghiệp quặng sắt lớn thứ 2 Australia. Dự kiến trong năm nay, công ty đạt sản lượng xuất khẩu 255 triệu tấn quặng sắt.

Mặt hàng “bom tấn” của Australia

Quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia và Bộ Tài chính nước này dự đoán giá trị thị trường mặt hàng này sẽ tăng từ 103 tỷ USD năm ngoái lên 136 tỷ USD trong năm tài chính 2021.

Khi giá trị của hàng hóa tăng lên, lợi nhuận của các công ty khai thác mỏ tăng lên, đương nhiên tiền thuế và tiền bản quyền mà các doanh nghiệp phải nộp cho chính phủ liên bang và tiểu bang cũng tăng theo.

Bộ trưởng Pitt nói khi thăm nhà máy của BHP: “Doanh thu tiền bản quyền và thuế tăng đang tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và giúp chi trả cho các dịch vụ thiết yếu… Những gì tôi thấy ở đây là một lực lượng lao động rất tận tâm, những người vô cùng tự hào về công việc của mình”.

Vị trí thống trị mặt hàng quặng sắt toàn cầu của Australia đã không có bất kỳ sự cạnh tranh nào kể từ tháng 1/2019, khi sản lượng khai thác của nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, Brazil, bị giảm đáng kể sau vụ sập đập Samarco.

Cùng với đó, đại dịch Covid-19 càn quét quốc gia Nam Mỹ tiếp tục cản trở hoạt động khai thác mỏ và điều này giúp Australia trở thành nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, nền kinh tế xứ sở kangaroo lại được trao thêm cơ hội để gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu “bảo bối” của mình khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và hiện đang tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng, các tòa nhà cao tầng, đường xá… khiến nhu cầu về sắt thép tăng đáng kể.

Vào tháng 4/2021, sản lượng thép của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm, sản lượng thép của nước này cao hơn khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Elizabeth Gaines, Giám đốc điều hành của công ty khai thác quặng sắt Fortescue Metals, nói với The Business: "Nhu cầu lớn của thị trường đẩy giá thép tăng cao, kéo theo giá quặng sắt xuất khẩu cũng tăng".

Bà Elizabeth Gaines, Giám đốc điều hành của công ty khai thác quặng sắt Fortescue Metals. (Nguồn: ABC)

Bà Elizabeth Gaines, Giám đốc điều hành của công ty khai thác quặng sắt Fortescue Metals. (Nguồn: ABC)

Tuy nhiên, ông Vivek Dhar, nhà nghiên cứu kinh tế của công ty khai thác mỏ và năng lượng CBA nhận định: "Chúng tôi dự báo giá quặng sắt sẽ trở lại mốc khoảng 110 USD/tấn vào cuối năm nay".

Hiện, giá mặt hàng này đã giảm khoảng 20% (ở mức dưới 200USD/tấn) so với mức cao kỷ lục được ghi nhận chỉ vài tuần trước (240 USD/tấn).

Nhà kinh tế cấp cao Marcel Thieliant của Capital Economics gần đây cũng cho biết: "Khi đầu tư bất động sản của Trung Quốc chậm lại và các nhà đầu tư phải đối mặt với các ràng buộc tài chính chặt chẽ hơn, chúng tôi dự đoán giá quặng sắt sẽ giảm xuống 140 USD/tấn vào cuối năm nay".

Mối quan hệ cộng sinh

Trung Quốc đã áp đặt thuế quan đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Australia trong năm qua, nhưng ít ai nghĩ rằng nước này cũng sẽ làm được điều đó với quặng sắt.

Theo công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS, 70% quặng sắt xuất khẩu của Australia là tới Trung Quốc, chiếm khoảng 60% tổng lượng quặng sắt mà quốc gia châu Á nhập khẩu mỗi năm.

Bộ trưởng Pitt thừa nhận: “Nói một cách thẳng thắn, họ cần chúng tôi và chúng tôi cần họ”.

Được biết, hiện doanh thu từ quặng sắt chiếm khoảng 5% GDP của Australia.

Ông Pitt nói: “Chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và chúng tôi muốn mối quan hệ đó tiếp tục phát triển. Chúng tôi đã có các thỏa thuận thương mại. Chúng tôi hy vọng tất cả các đối tác thương mại đều đáp ứng những yêu cầu của các thỏa thuận, bao gồm cả Trung Quốc".

Với số lượng xuất khẩu quá lớn, bất kỳ sự cắt giảm nào đối với xuất khẩu quặng sắt của Australia cũng sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế và ngân sách của chính phủ.

Bà Gaines giải thích: "Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 20/6/2020, tổng số tiền thuế mà các công ty khai thác mỏ cùng người lao động làm việc trong ngành đã nộp cho chính phủ là khoảng 24 tỷ USD. Năm nay, các công ty hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, tôi hy vọng tổng số thuế mà lĩnh vực này đóng góp cho ngân sách chính phủ sẽ là con số rất đáng kể”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Trung Quốc đang bắt đầu triển khai những biện pháp cần thiết để giảm giá cũng như giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt của Australia. Quốc gia châu Á đang mở rộng hoạt động sản xuất quặng sắt của riêng mình cũng như tìm kiếm các nhà cung cấp ở châu Phi.

Hoạt động khai thác quặng sắt của công ty BHP. (Nguồn: ABC)

Hoạt động khai thác quặng sắt của công ty BHP. (Nguồn: ABC)

Tuy nhiên, nhà phân tích Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận định: “Trước mắt, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc 'nghiến răng' tiếp tục mua quặng sắt của Australia, ngay cả khi quan hệ song phương vẫn đang căng thẳng.

Nhưng sự phụ thuộc này sẽ giảm dần theo thời gian nhờ nguồn cung từ các thị trường khác tăng lên, sử dụng thép tái chế nhiều hơn và nhu cầu thép của Trung Quốc giảm bớt".

Chuyên gia này cũng dự báo, Bắc Kinh có thể dừng nhập khẩu quặng sắt của Canberra vào giữa thập kỷ này.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng điều đó khó xảy ra.

Ông Dhar nói: “Tôi tin rằng vị thế của Australia sẽ vẫn rất vững chắc.

Bạn phải nhớ rằng, xuất khẩu quặng sắt của Australia sang Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn đến mức để thay thế việc mua hàng từ Canberra, Bắc Kinh sẽ cần nhập khẩu rất rất nhiều từ các thị trường khác”.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia đang tiếp diễn, tuy nhiên, hai nước vẫn có mối quan hệ cộng sinh khó tách rời.

(theo ABC/The Business)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-australia-moi-quan-he-cong-sinh-tu-mat-hang-tot-hon-ca-vang-bac-kinh-van-phai-nghien-rang-chi-tien-146542.html