Trung Quốc đưa thế hệ phi hành gia mới nhất lên trạm vũ trụ Thiên Cung

Trung Quốc đã đưa thế hệ phi hành gia mới nhất tới trạm vũ trụ Thiên Cung của của riêng mình vào thứ Năm (26/10). Đây được xem là một bước tiến tiếp theo của Trung Quốc trong nỗ lực khám phá không gian, gồm mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng.

Tàu vũ trụ Thần Châu-17 và ba phi hành gia đã cất cánh trên tên lửa Trường Chinh-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở phía tây bắc Trung Quốc. Dẫn đầu sứ mệnh kéo dài 6 tháng này là cựu phi công không quân Tang Hongbo, 48 tuổi - người từng lên trạm vũ trụ Thiên Cung hồi năm 2021.

 Các phi hành gia Tang Hongbo, Tang Shengjie và Jiang Xinlin vẫy tay chào trước khi lên tàu vũ trụ tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vào ngày 26/10. Ảnh: China Daily

Các phi hành gia Tang Hongbo, Tang Shengjie và Jiang Xinlin vẫy tay chào trước khi lên tàu vũ trụ tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vào ngày 26/10. Ảnh: China Daily

Việc Tang Hongbo trở lại trạm vũ trụ Thiên Cung cũng lập kỷ lục mới về khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai sứ mệnh bay vào vũ trụ của các phi hành gia Trung Quốc. Nó cho thấy tốc độ quay vòng của các phi hành gia Trung Quốc sẽ nhanh hơn trong những năm tới.

Tang Hongbo, thuộc lứa phi hành gia thứ hai của Trung Quốc vào năm 2010, đã phải chờ hơn một thập kỷ trước khi được chọn cho chuyến bay vũ trụ đầu tiên vào năm 2021.

Trong khi đó, hai phi hành gia Thần Châu-17 còn lại thuộc thế hệ phi hành gia mới nhất của Trung Quốc. Đó là Tang Shengjie, 33 tuổi và Jiang Xinlin, 35 tuổi, đều lần đầu tiên du hành vào vũ trụ. Họ gia nhập lứa phi hành gia thứ ba của Trung Quốc vào tháng 9 năm 2020.

Trung Quốc hiện đã bắt đầu quá trình tuyển chọn lứa phi hành gia thứ tư, tìm kiếm các ứng viên có bằng tiến sĩ về các ngành từ sinh học, vật lý, hóa học đến kỹ thuật y sinh và thiên văn học.

Nhóm phi hành gia thứ nhất và thứ hai đều là cựu phi công của lực lượng không quân, giống như Tang Hongbo, người gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 1995 ở tuổi 20.

 Khoảnh khắc tàu vũ trụ Thần Châu-17 được phóng lên. Ảnh: China Daily

Khoảnh khắc tàu vũ trụ Thần Châu-17 được phóng lên. Ảnh: China Daily

Trạm Thiên Cung đã trở thành biểu tượng cho sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các nỗ lực không gian của mình sau khi bị loại khỏi ISS trong nhiều thập kỷ. Luật pháp Mỹ cấm Trung Quốc có bất kỳ sự hợp tác nào, trực tiếp hoặc gián tiếp, với NASA.

Thiên cung, hoàn thành vào cuối năm 2022, có thể chứa tối đa ba phi hành gia ở độ cao quỹ đạo lên tới 450 km và sẽ có thời gian hoạt động hơn 15 năm. Các phi hành gia Thần Châu-17 sẽ thay thế phi hành đoàn Thần Châu-16, những người đã đến Thiên Cung vào cuối tháng 5 vừa rồi.

Thần Châu-17 đánh dấu sứ mệnh có phi hành đoàn thứ 12 của Trung Quốc kể từ chuyến bay vũ trụ một mình của Yang Liwei vào tháng 10 năm 2003, công dân Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ.

Hoàng Hải (theo Tân Hoa Xã, China Daily, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-dua-the-he-phi-hanh-gia-moi-nhat-len-tram-vu-tru-thien-cung-post270110.html