Trung Quốc giải thích bằng cách xuyên tạc

Dư luận đang quan tâm tới hội nghị lần thứ 14 của Nhóm Công tác chung về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN diễn ra tại Malaysia từ 1 đến 3-7.

Năng lượng Mới số 436

Bởi các bên không những đi sâu trao đổi ý kiến về việc thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, mà còn tiếp tục thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Nhật Bản cũng vừa tái khẳng định ủng hộ những nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm kết thúc đàm phán COC.

Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cho biết, chính quyền của cái gọi là “thành phố Tam Sa” dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng 27 căn hộ đầu tiên ở đảo Cây (với diện tích 5.504 m2), thuộc nhóm đảo Vĩnh An (trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) vào tháng 12/2015 nhằm “cải thiện sinh hoạt sản xuất cho ngư dân Trung Quốc đồn trú” trên đảo.

Giáo sư Tomohide Murai

Giáo sư Tomohide Murai

Ngày 30/6, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho biết, dự án bồi đắp phi pháp ở một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được hoàn tất trong mấy ngày qua, nhưng không nêu cụ thể vấn đề này. Đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở để đáp ứng nhu cầu dân sự, hỗ trợ thực hiện “trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế”, cũng như phục vụ nhu cầu quân sự.

Trước đó (27/6), tờ South China Morning Post đưa tin, một căn cứ huấn luyện hải quân trên 160 ha đang được xây dựng ở hòn đảo lớn thứ hai thuộc huyện Sùng Minh (có thể ở cửa sông Trường Giang) để huấn luyện tàu sân bay. Theo chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt, đảo Sùng Minh sẽ trở thành căn cứ huấn luyện của lực lượng hàng không hải quân, và có thể sẽ trở thành căn cứ tiếp tế của tàu chiến.

Cũng trong ngày 30/6, tờ South China Morning Post đưa tin, Hải quân Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay giám sát tiên tiến cho đội “Chim ưng biển” của hạm đội Bắc Hải, chuyên săn lùng tàu ngầm ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Và máy bay tác chiến chống tàu ngầm Gaoxin-6 được chế tạo trên cơ sở sửa đổi từ máy bay vận tải Y-8 và Y-9. Được biết, đội “Chim ưng biển” (là lực lượng đa chức năng duy nhất có thể hoạt động phòng không cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát, liên lạc chiến thuật và xác định mục tiêu từ xa) đã do thám bất hợp pháp Biển Đông trong 5-6 năm qua. Đây là lần đầu tiên truyền thông quốc gia Trung Quốc công bố chi tiết về sự phát triển và hoạt động gần đây của đội “Chim ưng biển”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh

Và Hạm đội Bắc Hải đã được biên chế ít nhất 5 máy bay tiên tiến cảnh báo sớm nhằm thực hiện các hoạt động chỉ huy và kiểm soát, truyền dữ liệu chiến thuật và chỉ thị mục tiêu từ xa. Theo đánh giá của chuyên gia Hải quân Trung Quốc Lý Kiệt, việc chế tạo Gaoxin-6 (từ tháng 10/2011) nhằm xây dựng lực lượng săn ngầm giống như P-3C của Mỹ. Lý Kiệt cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc đều sở hữu những loại tàu ngầm hiện đại nhất thế giới ở vùng biển Hoàng Hải và Hoa Đông, nên Trung Quốc mới quyết định bổ sung Gaoxin-6 cho Hạm đội Bắc Hải đầu tiên. Được biết, Trung Quốc đã chế tạo 10 chiếc Gaoxin trong chục năm qua. Và việc sản lượng máy bay săn ngầm Gaoxin-6 sẽ được đẩy mạnh để theo đuổi yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cùng ngày 30/6, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại thông tin từ trang Strategy Page (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị chế tạo tàu tuần dương kiểu mới 12.000 tấn Type 055, với hệ thống bắn thẳng đứng gồm 128 ống bắn. Và tàu này (lớn nhất do Trung Quốc chế tạo) có thể sánh với chiến hạm lớp Arleigh-Burke của Mỹ. Trong khi đó, Tiến sĩ người Mỹ Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á cho rằng, những tuyên bố và hành động thời gian gần đây của Trung Quốc khiến dư luận thế giới ngày càng lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh sẽ quân sự hóa tranh chấp Biển Đông. Bởi Trung Quốc đã, đang và sẽ mạnh tay chi cho hải quân cùng với việc bồi đắp trái phép ở Biển Đông nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý tại khu vực này.

Tân Hoa xã cho biết, ngày 1/7, quân đội Trung Quốc bắt đầu đợt tập trận quân sự (tác chiến trên bộ) ở tỉnh Cam Túc. Và 7 cuộc diễn tập bắn đạn thật mang tên Gunpower 2015 Shandan sẽ được tổ chức tại Hành lang Hà Tây, vùng xanh giữa hai sa mạc lớn, trước trung tuần tháng 9. Lực lượng phản ứng điện tử và không quân cũng tham gia cùng với các loại khí tài phòng không. Thiếu tướng Phương Bội Quần cho biết, đây là lần đầu tiên lực lượng “quân xanh” sử dung hệ thống máy bay chiến đấu, trong đó có J-10 và J-11 do Trung Quốc sản xuất, cùng trực thăng, đài nhiễu âm và radar mặt đất, còn “quân đỏ” được trang bị năng lực phòng không điện tử nhằm đối phó với cuộc không kích của đối phương.

Ngày 1/7, tờ Sankei dẫn tuyên bố của Giáo sư Tomohide Murai đến từ Đại học Tokyo Nhật Bản cho biết, năm 1952 sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc nhồi nhét cho học sinh cấp 2 của họ rằng, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Nepal, Sikkim, Bhutan, Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và các vùng lãnh thổ Nga như Khabarovsk, Primorsky Krai đều là “một phần lãnh thổ Trung Quốc”?!

Theo nhận định của Giáo sư Tomohide Murai, đối với các nước láng giềng bị Trung Quốc liệt vào danh sách của cái gọi là “lãnh thổ bị đánh cắp”, quan hệ với Mỹ là một điểm tựa quan trọng về an ninh. Và lập luận tuyên truyền theo kiểu xuyên tạc này của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu bành trướng lãnh thổ với danh nghĩa “thu hồi” nhằm củng cố địa vị của đảng Cộng sản Trung Quốc và giải quyết các vấn đề bất mãn nội bộ.

Chiều 29/6, Thủ tướng Australia Tony Abbott (khi đang có chuyến thăm Singapore) cho rằng, sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh khu vực, nhưng nó đang phải đối mặt với những mối đe dọa tồn tại dưới hình thức tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Theo ông Tony Abbott, các dự án xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước và Australia chia sẻ quan điểm này với Singapore. Đồng thời nhấn mạnh, mọi tranh chấp cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Tuấn Quỳnh

Năng lượng Mới

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-giai-thich-bang-cach-xuyen-tac-300721.html