Trung Quốc huy động 1,2 triệu quân đối phó với lũ lụt

Lũ lụt trên sông Trường Giang đang tàn phá nhiều khu vực ở Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đặt lũ lụt ngang hàng Covid-19 trong danh sách thảm họa của năm 2020.

Ông Wang Nianyin vẫn đang ngủ trên tầng hai của quán cà phê Lulu Cat của mình sáng 19/8 khi nước dâng lên ở những con đường lát đá xinh đẹp bên ngoài.

Sông hồ ở Trùng Khánh - thành phố nơi sông Gia Lăng gặp sông Trường Giang - luôn dâng cao cùng với những cơn mưa mùa hè, nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng thế này.

 Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân trên một con phố ngập lụt ở Trùng Khánh vào ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân trên một con phố ngập lụt ở Trùng Khánh vào ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Đến giữa trưa, ông Wang và nhiều doanh nghiệp khác đã sơ tán. Vào buổi chiều, cổ trấn Từ Khí Khẩu của họ chìm sâu dưới nước. Đường cao tốc ven sông biến mất. Bọt sóng sắp chạm đến đường ray xe lửa trên cao.

Thảm họa ngang Covid-19

Trung Quốc đang bước vào tháng thứ ba của đợt lũ lụt kinh hoàng. Nước này phải vật lộn với thiệt hại thảm khốc lan rộng từ các tỉnh miền Trung đến thượng nguồn sông Trường Giang - khu vực bao gồm thành phố 30 triệu dân Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên ở vùng cao tây nam.

Cho đến nay, 63 triệu người bị ảnh hưởng và khoảng 6 triệu hecta đất nông nghiệp bị phá hủy. Trong các tuyên bố chính thức, chính phủ đã đặt lũ lụt ngang hàng với đại dịch Covid-19 khi mô tả thảm họa ở Trung Quốc trong năm nay.

Đầu tuần này, đài truyền hình trung ương phát cảnh ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đến kiểm tra công tác chuẩn bị và đưa ra chỉ thị trước đợt lũ lụt thứ 6 - đợt lũ quan chức ở Trùng Khánh cảnh báo có thể đến vào tháng 9 nếu mưa không giảm.

Mặc dù quân đội Trung Quốc (PLA) thường xuyên cứu trợ thiên tai như lũ lụt và động đất, việc ông Tập gọi tình hình là tồi tệ và huy động sức mạnh trên quy mô lớn cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng và sự cấp bách của việc cần có phản ứng tập thể.

Theo truyền thông Trung Quốc, PLA đã huy động 1,2 triệu quân trên khắp 17 tỉnh để sơ tán khoảng 170.000 cư dân, gia cố các bờ bao và đường sá. Hôm 20/8, nước sông Trường Giang ở Trùng Khánh đạt mức kỷ lục. Đập Tam Hiệp cũng đạt đỉnh lũ và các nhà điều hành đập đã cam kết sẽ đứng vững trong “thời chiến”.

“Trận lũ lụt này là bài kiểm tra hệ thống lãnh đạo và chỉ huy của quân đội chúng ta, cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng thực hiện nhiệm vụ của quân đội”, ông Tập nói với các sĩ quan ở tỉnh An Huy hôm 20/8, nơi cũng đang bị thiệt hại nặng nề.

Tại Trùng Khánh, ông Wang và những người dân khác cho biết phần lớn trấn Từ Khí Khẩu vẫn chìm dưới nước hôm 21/8 và khu vực lân cận không có điện.

 Nhân viên cộng đồng và tình nguyện viên cung cấp thực phẩm và vật dụng vào ngày 19/8 cho những người dân bị lũ lụt ảnh hưởng ở Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Nhân viên cộng đồng và tình nguyện viên cung cấp thực phẩm và vật dụng vào ngày 19/8 cho những người dân bị lũ lụt ảnh hưởng ở Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Ông Wang nói với Washington Post rằng ông không thể quay lại quán cà phê để kiểm tra tình hình. Dưới phố, chủ của nhà hàng Wangjianglou cho biết tầng trệt của nhà hàng vẫn chìm dưới mặt nước 1,5 m. Chủ nhà hàng nói ông không bận tâm đến việc cứu nhà hàng của mình.

“Chuyển đồ đạc ra ngoài cũng vô ích thôi”, ông nói. "Đường phố cũng bị ngập".

Zhang Faxing, nhà thủy văn học tại Đại học Tứ Xuyên, cho biết Tứ Xuyên thường xuyên có lũ lụt vào mùa hè. Tuy nhiên, thảm họa quy mô như thế này và lượng mưa nhiều như vậy trong tháng 8 là rất bất thường.

“Chúng ta nên cảnh giác với lũ lụt có thể tiếp tục xảy ra ở thượng và trung lưu sông Trường Giang cho đến giữa tháng 9”, Yang nói. “Hiện tượng thời tiết cực đoan mang lại nhiều bất ổn hơn cho những người sống dọc theo các con sông lớn ở phía nam”.

Tình hình có thể tệ hơn trong tương lai

Các quan chức chính phủ đã cảnh báo rằng thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt và lũ lụt sẽ trở nên tồi tệ hơn cùng với biến đổi khí hậu. Năm 2015, báo cáo chung của một số bộ ngành Trung Quốc cho biết đất nước này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng lên.

Một số nghiên cứu của Trung Quốc, bao gồm cả báo cáo thường niên mới nhất của Cục Khí tượng Trung Quốc, đã ghi nhận sự gia tăng tần suất mưa cực đoan trong 60 năm qua.

Các chuyên gia cho biết việc cải tạo và phát triển đất ngập nước dọc theo sông Trường Giang cũng đã cản trở khả năng hấp thụ lũ của lưu vực.

 Một khu vực ngập lụt ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Một khu vực ngập lụt ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Anders Levermann, nhà khoa học khí hậu tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, cho biết ông ước tính rằng thiệt hại kinh tế của Trung Quốc do lũ lụt sẽ tăng 80% trong những thập kỷ tới vì biến đổi khí hậu gây ra mưa cực đoan.

Sau đợt bùng phát Covid-19 vào tháng 1, lũ lụt đang gây ra một đợt gián đoạn kinh tế khác ở Trung Quốc. Trường Giang là con sông dài nhất châu Á nối Thượng Hải với Vũ Hán và Trùng Khánh. Lưu vực của sông Trường Giang chiếm khoảng 45% sản lượng kinh tế của Trung Quốc và 1/3 dân số nước này.

Chính phủ Trung Quốc ca ngợi các biện pháp kiểm soát lũ lụt của mình là tiên tiến hơn đáng kể so với 5 năm trước. Nước này cũng dự đoán thiệt hại trực tiếp chỉ khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng đều đặn trong những tuần gần đây.

Trên các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc, một loạt các thông báo gửi tới cổ đông trong tuần này cho thấy tác động của lũ lụt ở Tứ Xuyên. Công ty sản xuất đất hiếm Leshan Shenghe, công ty sản xuất silicon Tongwei và một nhà sản xuất pin mặt trời đều nói nhà máy bị ngập khiến sản lượng của họ bị đình trệ.

Lũ lụt đã bắt đầu ở một số khu vực vào đầu tháng 3, nhưng đại dịch Covid-19 và xung đột Mỹ - Trung đã làm vấn đề này bị lu mờ. People’s Daily, tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu đề cập đến lũ lụt trên mạng xã hội vào tháng 6 với những tiêu đề thú vị, sử dụng biểu tượng mưa và gọi một bức ảnh chụp cảnh sau lũ lụt là “bình dị”.

Ở Giang Tây, một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác, các quan chức tỉnh cố gắng đưa ra cái nhìn tích cực về tình hình trong những tuần gần đây bằng cách gọi lũ lụt là "một điều hoàn toàn không tồi tệ" trong một bài đăng trên Weibo. Bài viết này đã bị người dân lên án dữ dội.

Zhang Feng, một nhà phê bình truyền thông tại Bắc Kinh viết blog trên Tencent, nói rằng tất cả cảnh lũ lụt đều được ghi lại bằng thiết bị không người lái điều khiển từ xa.

“Những bức ảnh đó không cho thấy sự đau khổ”, Zhang viết. “Hình ảnh lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, lợn và người chết đuối, xác chết thối rữa và rác thải rải rác khắp nơi sau lũ lụt sẽ không bao giờ được thiết bị không người lái ghi lại từ khoảng cách xa như vậy”.

Trung Quốc điều hai đoàn tàu lên cầu để gia cố chống lũ Trước mức cảnh báo lũ cao nhất trong lịch sử ở tỉnh Tứ Xuyên, các nhà chức trách điều hai đoàn tàu chở hàng hạng nặng lên cầu để ngăn lũ cuốn trôi.

Như Trần
theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-huy-dong-1-2-trieu-quan-doi-pho-voi-lu-lut-post1122811.html