Trung Quốc kiềm chế việc tôn thờ người nổi tiếng

Trung Quốc cấm những nghệ sĩ đạo đức kém cỏi và sao nam có ngoại hình ẻo lả. Chính quyền nước này cũng kiềm chế hành vi hâm mộ thái quá của khán giả trẻ.

Một học sinh trung học họ Trần tại Bắc Kinh từng dành 30 phút mỗi ngày để quảng bá diễn viên cô yêu thích trên mạng xã hội. Cô thường xuyên làm vậy trước khi hành động này bị chính quyền Trung Quốc phản đối với lý do quảng bá "các giá trị không lành mạnh".

Quy định chính quyền Trung Quốc đưa ra hồi tháng 9 là cấm "theo đuổi ngôi sao một cách phi lý". Lệnh cấm bao gồm xếp hạng người nổi tiếng trên trực tuyến, gây quỹ và nhiều công cụ khác được các fandom sử dụng để đưa thần tượng của họ trở thành xu hướng trên mạng xã hội.

Ngành công nghiệp giải trí thu lợi từ trẻ vị thành niên

Được biết đến với vẻ ngoài đẹp trai, thần tượng của Trần đã thu hút vô số người hâm mộ trung thành, chủ yếu là nữ thông qua vai diễn trong bộ phim giả tưởng năm 2019 The Untamed - Trần tình lệnh. Anh hiện có hơn 29 triệu người theo dõi chỉ riêng trên Weibo.

"Tôi từng ủng hộ các bài đăng trên diễn đàn người hâm mộ của anh ấy và mua các sản phẩm anh ấy quảng cáo. Thật mệt mỏi khi phải cố gắng giữ cho anh ấy đứng ở vị trí số một mỗi ngày", Trần 16 tuổi chia sẻ với AFP.

Theo AFP, người hâm mộ và sự yêu thích cuồng nhiệt đã tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế thần tượng béo bở của Trung Quốc. Thậm chí truyền thông nước này từng dự báo nền kinh tế thần tượng trị giá 140 tỷ NDT (21,6 tỷ USD) vào năm 2022.

 Khán giả cầm máy ảnh chờ đợi những người nổi tiếng tại một sân bay ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP-Yonhap.

Khán giả cầm máy ảnh chờ đợi những người nổi tiếng tại một sân bay ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP-Yonhap.

Giới trẻ Trung Quốc ít sử dụng phương tiện mạng xã hội từ bên ngoài. Do đó, các “trạm tỷ” có thể góp phần giúp ca sĩ, diễn viên họ yêu thích từ gương mặt mới, ít người biết tới trở thành ngôi sao thông qua những tấm hình lan truyền trên mạng xã hội của Trung Quốc.

Trạm tỷ là thuật ngữ chỉ những người đứng đầu nhóm fan, thường xuyên theo thần tượng tới sân bay, các sự kiện để chụp hình, sau đó chỉnh sửa và đăng lên mạng.

Từ hành động đó của các trạm tỷ, nhiều người chỉ trích sự nổi tiếng, thành công của giới ca sĩ, diễn viên đôi khi bị thổi phồng một cách giả tạo. Và văn hóa thần tượng ở ngành công nghiệp giải trí là bóc lột nhằm thu lợi từ trẻ vị thành niên. Đây là điều chính phủ Trung Quốc muốn loại bỏ thông qua các quy định mới.

Nhà chức trách cho rằng quy định mới là cần thiết để hạn chế các khía cạnh thái quá của văn hóa người hâm mộ, bao gồm đe dọa trực tuyến, rình rập, lừa đảo và chiến tranh gay gắt giữa các fandom.

Văn hóa thần tượng ở Trung Quốc đôi khi cực đoan. Người hâm mộ sẵn sàng bôi xấu, lăng mạ những đối thủ cạnh tranh với thần tượng của họ.

Một số cộng đồng fan và nền tảng trực tuyến thậm chí kiếm tiền bằng cách thu phí thành viên. Những người đứng đầu nhóm fan cho thành viên xem hình ảnh có độ phân giải cao của thần tượng và yêu cầu họ chi tiền cho các hoạt động quảng cáo, diễn xuất, âm nhạc.

Theo The New York Times, các nhà chức trách nước này đang tìm cách kiềm chế việc tôn thờ người nổi tiếng và hâm mộ quá cuồng nhiệt. Điển hình là việc một số fan ruột của Ngô Diệc Phàm - đang bị bắt giữ vì tình nghi hiếp dâm - đã cố gắng quyên tiền cho các chi phí pháp lý của anh ta.

The New York Times cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội, những người hâm mộ Ngô Diệc Phàm đã đăng và trao đổi về “nhiệm vụ giải cứu” thần tượng với hy vọng giúp anh này thoát khỏi sự giam giữ.

Về phía người hâm mộ, họ cho biết bản thân thấy thích thú khi thần tượng thăng hoa và nổi tiếng, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Theo bài viết đăng ngày 3/10 của AFP, chính quyền cũng lo lắng về giới thần tượng vì một lý do khác. Đó là khả năng huy động đội quân người hâm mộ ngay lập tức và thống trị mạng xã hội trong nhiều ngày.

"Điều đó cho thấy sự khởi đầu của một phong trào quần chúng và đó là điều mà chính phủ không muốn", một giáo sư xã hội học tại đại học ở Trung Quốc cho biết trên The Korea Times.

Chính quyền Trung Quốc cấm những nghệ sĩ nam ẻo lả.

Chính quyền Trung Quốc cấm những nghệ sĩ nam ẻo lả.

Nhiều cuộc đàn áp đã quét qua các lĩnh vực công nghệ, giáo dục và showbiz trong những tháng gần đây. Các nhà chức trách ngày càng nhắm vào người giàu và quyền lực nhằm thúc đẩy bình đẳng kinh tế xã hội. Nhưng việc này cũng một phần để thấm nhuần các giá trị xã hội lành mạnh được chính phủ công nhận ở người trẻ tuổi.

Cơ quan quản lý phát sóng của Trung Quốc vào tháng 9 đã cấm những người biểu diễn có "đạo đức kém cỏi", "quan điểm chính trị không đúng" hay các sissy men - những nghệ sĩ nam ẻo lả. The Korea Times nhận định sissy men là kiểu thẩm mỹ phi giới tính phổ biến trong các nhóm nhạc nam Hàn Quốc và được các nam thần tượng Trung Quốc bắt chước.

Người nổi tiếng phải tuân theo quy định để cứu lấy sự nghiệp

Một thần tượng 26 tuổi, họ Lý cho biết cuộc đàn áp về văn hóa người nổi tiếng là cơ hội để thiết lập lại ngành công nghiệp. “Quy định là một giai đoạn phát triển mà ngành công nghiệp giải trí cần phải trải qua", cô nói với AFP.

 Nữ diễn viên kiêm ca sĩ biểu diễn tại trường quay. Ảnh: AFP-Yonhap.

Nữ diễn viên kiêm ca sĩ biểu diễn tại trường quay. Ảnh: AFP-Yonhap.

Lý là vũ công và diễn viên. Cô đam mê nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh hạng ưu, cô cố gắng trở thành nghệ sĩ giải trí, diễn xuất trong một số bộ phim và tham gia chương trình tài năng.

Lý hiện có hơn 200.000 người theo dõi trên mạng xã hội và con số này còn quá xa so với các ngôi sao hạng A ở Trung Quốc.

Nữ diễn viên cho biết cô không bị bối rối bởi các quy tắc mới. “Khi những con sóng lớn ập vào bờ, những hạt vàng còn sót lại càng sáng hơn”, nữ diễn viên giải thích.

Nghệ sĩ giải trí Trung Quốc muốn tồn tại không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo quy định. Những người không chấp thuận có thể bị nhấn chìm và tiêu tan sự nghiệp.

Về phía người hâm mộ, họ cho biết không bỏ cuộc nhưng sẽ tiết chế hơn và theo dõi tình hình tiếp theo.

"Sau đợt thanh lọc này, vẫn sẽ có các hoạt động của người hâm mộ, nhưng có thể ít và kiềm chế hơn trước. Mọi người đang theo dõi và chờ đợi.", một người hâm mộ ở Bắc Kinh, 20 tuổi cho biết trên AFP.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-kiem-che-viec-ton-tho-nguoi-noi-tieng-post1268281.html