Trung Quốc thống trị nguồn khoáng sản thiết yếu, nỗ lực 'cai nghiện' của phương Tây có khả quan?

Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng nhiều loại khoáng sản quan trọng của thế giới, nhưng cho đến nay nước này vẫn chưa áp dụng các hạn chế toàn diện đối với ít nhất một loại khoáng sản: vonfram.

Kim loại này cứng gần bằng kim cương và có mật độ năng lượng cao. Điều đó khiến vonfram trở thành vật liệu quan trọng trong sản xuất vũ khí, ô tô, pin xe điện, chất bán dẫn và máy cắt công nghiệp. Các nhà sản xuất chip như Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) và Nvidia đều cần sử dụng kim loại này.

Ông Lewis Black, Tổng giám đốc điều hành của Almonty Industries có trụ sở tại Canada, công ty đang chi ít nhất 75 triệu USD để mở lại một mỏ vonfram ở Hàn Quốc vào cuối năm nay, cho biết: “Tôi không muốn có bất kỳ động thái đe dọa nào liên quan đến vonfram”.

“Nếu bạn quá tập trung vào việc đa dạng hóa, nó sẽ trở thành tình huống phản tác dụng. Vonfram luôn là một kim loại ngoại giao”, ông Black nhận định.

Một viên đá có quặng vonfram bên trong một mỏ ở Đức do Saxony Minerals and Exploration điều hành. (Ảnh: Getty Images)

Một viên đá có quặng vonfram bên trong một mỏ ở Đức do Saxony Minerals and Exploration điều hành. (Ảnh: Getty Images)

Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tăng thuế nhập khẩu vonfram vào tháng 5, Trung Quốc vào cuối tuần qua đã không đưa kim loại này vào các quy định mới để tăng cường giám sát sản xuất đất hiếm trong nước.

Ông Black cho biết: “Mức thuế quan này mang tính chất cảnh cáo nhiều hơn, vì ông Biden chỉ áp thuế đối với 3 trong số 25 loại kim loại chiến lược mà Trung Quốc xuất khẩu”.

“Nhưng Trung Quốc có thể không quá lo lắng, vì chính phủ Trung Quốc đã phớt lờ mức thuế mới, không giống như trước đây khi họ hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu đất hiếm. Họ hoàn toàn phớt lờ vì người Trung Quốc không muốn căng thẳng gia tăng”, ông Black cho biết thêm.

Khi được hỏi vào tháng trước liệu Trung Quốc có trả đũa mức thuế mới nhất của Mỹ đối với vonfram hay không, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong đã không công bố biện pháp đối phó. Thay vào đó, ông kêu gọi Mỹ xóa bỏ các mức thuế bổ sung.

Dự đoán nhu cầu cao hơn và nguồn cung vonfram hạn chế đã đẩy giá lên mức cao nhất trong nhiều năm, mặc dù giá đã giảm dần trong vài tuần qua.

Đa dạng hóa khỏi Trung Quốc

Nhu cầu về vonfram không phải của Trung Quốc đang tăng lên. Ông Michael Dornhofer, người sáng lập công ty tư vấn kim loại Independent Supply Business Partner, cho biết: “Chúng tôi thấy ở Mỹ và châu Âu, họ yêu cầu các nhà cung cấp của mình xây dựng chuỗi cung ứng không có Trung Quốc”.

Đạo luật REEShore của Mỹ, hay Đạo luật khôi phục năng lượng thiết yếu và an ninh dành cho đất hiếm năm 2022, cấm sử dụng vonfram Trung Quốc trong thiết bị quân sự bắt đầu từ năm 2026, trong khi Ủy ban châu Âu năm ngoái đã gia hạn thuế đối với cacbua vonfram nhập khẩu từ Trung Quốc thêm 5 năm nữa, Almonty Industries chỉ ra trong một báo cáo.

Ông Black hy vọng công ty của ông sẽ được hưởng lợi từ những nỗ lực ngày càng tăng nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Almonty tuyên bố mỏ sắp khai thác ở Hàn Quốc có tiềm năng sản xuất 50% nguồn cung vonfram thế giới ngoài Trung Quốc.

Vào tháng 1, công ty nghiên cứu Macro Ops có trụ sở tại Mỹ cho biết : “Nguồn cung vonfram đang dần thay đổi. Mỹ sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn vonfram dự trữ và chuyển từ người bán ròng sang người mua trong vòng 12-18 tháng tới.”

Trả lời CNBC, ông Brandon Beylo, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Macro Ops, cho biết chỉ có sáu công ty tại Mỹ có năng lực sản xuất vonfram. Ông nói thêm rằng Mỹ đã không sản xuất vonfram trong nước kể từ năm 2015, nghĩa là nguồn cung trong tương lai của Mỹ phải đến từ nước ngoài.

Theo Argus, Trung Quốc chiếm hơn 80% chuỗi cung ứng vonfram, mặc dù chi phí sản xuất tại địa phương đang tăng lên khi các mỏ đã được khai thác lâu năm. Hiện Trung Quốc nhập khẩu kim loại này từ Triều Tiên, Trung Phi và Myanmar.

Công ty phân tích và báo cáo giá hàng hóa Fastmarkets đã chỉ ra vào đầu năm nay rằng Trung Quốc đã giảm hạn ngạch sản xuất quốc gia đối với các mỏ vonfram do những hạn chế về môi trường.

Theo các chuyên gia, điều này mở ra cơ hội cho các dự án bên ngoài Trung Quốc. Các công ty khác không phải của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng vonfram sẽ chuyển hướng sang Hàn Quốc.

Vào tháng 2, IMC Endmill, một công ty liên kết của Tập đoàn IMC do tỷ phú Warren Buffett sở hữu, đã ký một thỏa thuận với chính quyền thành phố Daegu về khoản đầu tư 130 tỷ won Hàn Quốc (93,6 triệu USD) vào một cơ sở sản xuất bột vonfram, theo một bản tin địa phương.

Dù vậy, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng này đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Các chuyên gia chỉ ra rằng những nỗ lực sản xuất vonfram bên ngoài Trung Quốc đã bị đình trệ trong nhiều năm, bao gồm cả kế hoạch xây dựng một mỏ ở New Brunswick, Canada, vốn có thể làm tăng đáng kể công suất vonfram toàn cầu.

Thanh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-thong-tri-nguon-khoang-san-thiet-yeu-no-luc-cai-nghien-cua-phuong-tay-co-kha-quan-d112877.html