Trung Quốc: Xuất khẩu hết thời bùng nổ, tiền 'chảy' sang các đối thủ cạnh tranh tại Đông Nam Á

Sau hai năm đạt mức xuất khẩu kỷ lục, các nhà sản xuất Trung Quốc lo lắng khi người tiêu dùng đang hạn chế chi tiêu và Covid-19 'đẩy' khách hàng sang các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Hoạt động xuất khẩu tại Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm trong năm 2022. (Nguồn: Bloomberg)

Hoạt động xuất khẩu tại Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm trong năm 2022. (Nguồn: Bloomberg)

Là nhà xuất khẩu tai nghe không dây, tai nghe và loa sang Mỹ, châu Âu và Trung Đông, công ty điện tử Thâm Quyến Teanabuds đang chứng kiến lượng đơn đặt hàng giảm khoảng 50% so với năm ngoái.

Zhang Wanli, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của công ty cho biết: “Các đơn đặt hàng sẽ tiếp tục giảm trong phần còn lại của năm nay vì công ty đang đánh mất lợi thế của mình”.

Theo Giám đốc Zhang, một số khách hàng của Teanabuds gần đây đã chuyển đơn đặt hàng của họ sang các nước Đông Nam Á, khi các nhà cung cấp ở đó đưa ra mức giá thấp hơn do chuỗi cung ứng của họ bớt căng thẳng hơn. Nguyên liệu và chi phí vận chuyển cao đã khiến tỷ suất lợi nhuận của công ty giảm xuống còn 15%, từ mức 30% vào năm 2019.

Sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế, vốn được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập niên trong năm nay do thị trường bất động sản sụt giảm và các biện pháp hạn chế mạnh mẽ liên quan đến Covid-19.

Theo dự đoán của công ty tài chính Nomura Holdings, sau khi tăng 30% vào năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng chỉ tăng 1,6% trong năm nay. Xuất khẩu chiếm hơn một phần ba mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm ngoái và 20% vào năm 2020.

Nomura Holdings cho rằng, hoạt động trao đổi thương mại có thể sẽ được thúc đẩy tạm thời khi Thượng Hải mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa vì Covid-19 kéo dài hai tháng.

Tháng 5/2022, xuất khẩu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 3,9% trong tháng 4/2022. Tuy nhiên, xu hướng trong phần còn lại của năm là giảm.

Thomas Gatley, nhà phân tích cấp cao của Gavekal Research Ltd. nhận định, xuất khẩu có thể giảm trong năm nay về khối lượng.

Người tiêu dùng toàn cầu vẫn tích góp tiền mặt nhưng sự hỗ trợ tài khóa của chính phủ ngày càng giảm. Trong khi đó, lãi suất tăng đang tác động đến thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart và Target đang có hàng tồn kho trị giá 45 tỷ USD, tăng 26% so với một năm trước.

Công ty Guangzhou GL - doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm làm vườn như bình tưới cây, khăn trải bàn và một số đồ dùng chủ đề Giáng sinh cho biết, đơn đặt hàng từ khách hàng Mỹ và châu Âu đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát tăng cao ở Mỹ và châu Âu khiến các hộ gia đình phải "thắt lưng buộc bụng".

Theo Giám đốc bán hàng của Guangzhou GL Chen Zijian, số lượng các sản phẩm phục vụ cho mùa Giáng sinh sụt giảm so với năm 2021.

Ông Chen Zijian nói: "Năm ngoái, đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn năm nay nhưng các sản phẩm làm vườn và hoạt động kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng nhiều, có lẽ vì mọi người ở nhà và làm vườn. Năm nay, đơn đặt hàng của chúng tôi đã giảm khá nhiều, mọi người phải chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu”.

Nhìn rộng hơn, các nhà phân tích cho rằng, sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng đang nhắm vào các ngành sản xuất rẻ hơn ở Đông Nam Á, nơi đang tăng tốc sau một thời gian ngắn tạm dừng trong hai năm qua.

Theo ước tính của Everbright Securities Co., khoảng 7% đơn đặt hàng đồ nội thất, 5% đối với sản phẩm dệt may và 2% đối với hàng điện tử của Trung Quốc đã chuyển sang các quốc gia khác từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022.

Thách thức đó đang được cộng thêm bởi giá nguyên liệu thô và giá cước vận tải tăng cao. Nguyên liệu thô đã tăng 17,4% trong tháng 4/2022, khiến chi phí bị đội lên.

Chỉ số vận tải hàng hóa bằng container tại Thượng Hải vẫn ở mức cao hơn 4 lần trước đại dịch, mặc dù đã giảm 17% trong năm nay.

Ngay cả những nhà xuất khẩu đang hoạt động tốt cũng lo lắng về những gì sắp xảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất.

Hermann Zhai, Tổng giám đốc của Kinghike Vehicle Co., công ty xuất khẩu xe điện chơi golf sang Mỹ, có trụ sở tại Sơn Đông (Trung Quốc) cho biết, doanh nghiệp này đang có lượng đơn đặt hàng tăng vọt bởi các khách hàng chuyển sang sử dụng xe điện thay vì chạy xăng, trước tình hình giá năng lượng tăng chóng mặt.

Tuy nhiên, ông Zhai vẫn tỏ ra lo lắng: “Tôi hy vọng các biện pháp mà Fed đang thực hiện sẽ có hiệu quả để kiềm chế lạm phát. Nếu siêu lạm phát xảy ra, doanh số bán hàng của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng đáng kể".

(theo Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-xuat-khau-het-thoi-bung-no-tien-chay-sang-cac-doi-thu-canh-tranh-tai-dong-nam-a-186445.html