Trung thu mùa giãn cách

Mấy hôm trước, bạn tôi nhắn tin bảo: 'Hôm nay, Tỉnh đoàn Bình Phước lại gom rau, củ, hàng hóa gửi tặng bà con, mà anh bu lu quá nên quên gửi bánh Trung thu cho em'. Tự nhiên tôi giật mình nhớ ra đã tới mùa Trung thu. Bình thường ở Sài Gòn không khí của Trung thu thường nhộn nhịp trước cả tháng, chỉ cần qua rằm tháng bảy là các cửa hàng bánh Trung thu bày bán khắp các con đường, tuyến phố.

Không những vậy, mỗi khi lướt trên mạng xã hội sẽ thấy bán rất nhiều thứ liên quan đến lễ hội Trung thu từ lồng đèn, mặt nạ, trang phục, phụ kiện múa lân, hay như các set đồ để tự làm bánh Trung thu. Một không khí vô cùng sôi động. Vậy mà năm nay, đến tận ngày rằm tháng tám vẫn không được nghe thấy sự khuấy động của từng đội trống múa lân. Hai bên đường cũng chẳng thể bày bán những chiếc bánh Trung thu hay lồng đèn, mặt nạ lung linh đủ sắc màu.

Bất giác, tôi nhớ tới những mùa trông trăng của các năm trước. Bởi với tôi, một người trẻ thích xê dịch thì cứ mỗi mùa Trung thu tôi thường đón lễ hội ở một địa điểm khác nhau. Lúc tôi vi vu đến tận Hải Phòng, có năm lại ăn Trung thu ở Hà Nội, khi thì đến một tỉnh nào đó tận miền Tây. Thậm chí, có năm tôi vào trại giam và ngồi ngắm trăng, hát hò với các anh chị quản giáo trong những chương trình giao lưu với phạm nhân. Rồi có năm, tôi tranh thủ về quê phá cỗ Trung thu bên gia đình.

Tôi quá quen với việc phải đi hết tỉnh này đến tỉnh khác để tham gia những chương trình thiện nguyện, giao lưu động viên tinh thần mọi người, nhất là nhóm có hoàn cảnh khó khăn như người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già ở các trung tâm dưỡng lão và cả những nhóm người lầm lỡ… Bản tính thích xê dịch nên thành ra đối với tôi mấy tháng thực hiện giãn cách này như một cực hình. Có những ngày thức dậy, tôi cũng chẳng thể nhớ ra ngày, thứ nữa. Và dường như thời gian của tôi bây giờ chỉ có thể tính bằng đơn vị đo lường 14 ngày mà thôi.

Cứ mỗi 14 ngày trôi qua là tôi tự nhủ đã hết nửa tháng, rồi lại tiếp tục nghe thông tin Sài Gòn buộc phải giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa. Cứ vậy từng chuỗi ngày của tôi trôi qua trong 4 bức tường nhà trọ. Bạn tôi ở tận bên kia đại dương nhiều hôm gọi điện thoại video về trêu tôi rằng: “Nhìn cái mặt ấy là biết không được đi phá làng, phá xóm nên chẳng nặn ra được chữ nào để viết đâu nhỉ?” Rồi hai đứa lại nhìn nhau mà cười một tràng. Cười cho qua một mùa giãn cách và tạo động lực cho nhau chứ không thể làm gì hơn.

Trung thu thời giãn cách kèm theo những cơn mưa dài lạnh, bầu trời u ám nên cũng chẳng thể thấy mặt trăng. Chị Hằng hay chú Cuội vì vậy mà không thể nào xuất hiện. Và khoảng thời gian này, đôi lúc tim nhói đau khi thấy người khác mất đi người thân, hay có những khoảnh khắc bật khóc nức nở vì hay tin người thân quen của mình ra đi vì dịch bệnh.

Và tất cả trải nghiệm này sẽ được thời gian gói ghém lại thành ký ức. Biết đâu vào những mùa trông trăng tiếp theo sẽ hoài niệm về mùa Trung thu thời giãn cách này và thầm biết ơn vì đã cho nhau thật nhiều sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn.

Trần Trà My

Covid-19 có thể “cầm chân” mọi người, nhưng còn rất nhiều cách giúp chúng ta có thể sống ý nghĩa, yêu thương và chia sẻ với cộng đồng.

Hãy kể với BPTV chuyện ở nhà trong những ngày giãn cách của chính bạn và người thân như một sự kết nối cùng “quyết tâm đoàn kết, diệt hết covy”, tôn vinh những giá trị truyền thống, nhắc nhở mọi người ý thức sống đẹp, sống có ích... vì cộng đồng.

Những câu chuyện, chia sẻ thú vị bằng các bài viết phản ánh, cảm nhận, chuyện kể, hồi ký, phóng sự ảnh, clip sẽ được chọn đăng trên Báo Bình Phước online (www.baobinhphuoc.com.vn) và sóng phát thanh FM 89,4 MHz.

BPTV sẽ gửi tặng bạn món quà ý nghĩa và nhuận bút theo quy định.

Email của chúng tôi là:truyenthongcovidbptv@gmail.com

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/127102/trung-thu-mua-gian-cach