Trung tướng Phạm Hồng Cư-người thủ trưởng, người anh đáng kính!

Mặc dù biết thời gian gần đây sức khỏe của Trung tướng Phạm Hồng Cư không được tốt, nhưng tin anh mất vẫn khiến tôi không khỏi ngậm ngùi, tiếc nhớ. Vậy là người thủ trưởng, người anh đáng kính từng có thời gian dài gắn bó với tôi khi công tác ở Quân khu 2, rồi sau này là Tổng cục Chính trị (TCCT) đã mãi mãi đi xa. Giờ đây, hồi tưởng những kỷ niệm trong những lần được trò chuyện, làm việc với anh, ngỡ như mới hôm qua vậy.

Năm 1989, tôi về TCCT, công tác ở Cục Cán bộ. Phó chủ nhiệm TCCT Phạm Hồng Cư thường đến cơ quan gặp gỡ, trò chuyện, đưa ra nhiều ý kiến quan trọng được anh em chân tình lắng nghe. Sau này, được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm TCCT, theo dõi lĩnh vực mà khi còn đương chức anh Hồng Cư đảm nhiệm, tôi đã phấn đấu kế thừa, phát huy những thế mạnh mà anh đã tạo dựng trước đó. Nhưng có lẽ, nhiều kỷ niệm sâu sắc, tình nghĩa nhất là khi chúng tôi cùng công tác ở Quân khu 2. Trước đó, tôi biết anh Hồng Cư trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, từng là Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca với trận đánh thắng quân Pháp lừng danh trên sông Lô trong Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông năm 1947.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi tôi cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên thì anh Phạm Hồng Cư là phái viên của TCCT đi đốc chiến. Có thể nói, ngày đó, cả về tuổi tác, kinh nghiệm, anh Phạm Hồng Cư thuộc lớp cha anh, tôi chỉ nghe và biết đến chứ hầu như không có cơ hội trò chuyện, gặp gỡ. Đến giữa năm 1980, sau khi hoàn thành khóa học ở Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng), tôi nhận quyết định điều động về làm Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 355, Quân đoàn 29, Quân khu 2. Thật tình cờ, năm ấy tôi được ngồi cùng chuyến xe với anh Phạm Hồng Cư, khi ấy đã là Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 2. Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp gặp anh. Thật tự nhiên, anh bắt chuyện trước, rất cởi mở. Tôi là một người lính vừa từ chiến trường ra, được đi học rồi ngay trên đường về đơn vị mới lại gặp một cán bộ có nhiều kinh nghiệm như anh Hồng Cư khiến tôi thấy mình thật may mắn. Trên chuyến xe hôm đó, tôi với anh đã trao đổi một số việc. Tôi tâm đắc mãi câu anh nói: “Mình về nơi có vị trí đặc biệt gồm biên giới-rừng núi-dân tộc. Trước yêu cầu của tình hình, anh em cùng cố gắng nhé!”. Đây như lời động viên, nhắn gửi rất tế nhị của người anh, tới đây sẽ là thủ trưởng trực tiếp của tôi trên cương vị mới, rất mạnh mẽ và đầy quyết tâm. Câu nói của anh cũng cho tôi thêm nhận thức về địa bàn mình sẽ đảm nhiệm, để sẵn sàng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ.

Trung tướng Phạm Hồng Cư xem số báo đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 2 (tháng 10-2016).

Trung tướng Phạm Hồng Cư xem số báo đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 2 (tháng 10-2016).

Hồi ấy, đại bản doanh của Quân khu 2 đặt tại cây số 19, cách thị xã Yên Bái khoảng 19km. Những năm này cũng là giai đoạn cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở vào thời điểm quan trọng. Tại Sư đoàn 355, tôi cùng anh em tích cực triển khai các phương án xây dựng trận địa, tổ chức lực lượng... Được khoảng vài tháng thì có đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Phó chủ nhiệm TCCT Phạm Ngọc Mậu dẫn đầu đến thăm và kiểm tra đơn vị. Tham gia đoàn có Phó tư lệnh về chính trị Phạm Hồng Cư. Sau khi đưa đoàn đi thị sát trận địa, đồng chí Phạm Ngọc Mậu yêu cầu anh Hồng Cư xác định những yêu cầu cơ bản của trên giao cho sư đoàn. Anh Hồng Cư phân tích kỹ lưỡng, bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, anh còn hướng dẫn cho chỉ huy các cấp nhận thức rõ tình hình, vị trí bố trí trận địa, trách nhiệm của các binh đoàn chủ lực của quân khu (trong đó có đơn vị tôi) phụ trách các hướng quan trọng... Càng nghe, tôi càng khâm phục anh.

Khoảng hai năm sau, tôi được điều về làm Trưởng phòng Cán bộ của quân khu, thường xuyên được làm việc với anh hơn. Những năm này, tổng quân số của quân khu chừng 2,3 vạn cán bộ, chiến sĩ. Những năm 80 của thế kỷ trước là lúc chúng ta đang thực hiện một số cơ chế, chính sách đã bộc lộ một số bất cập, cần phải giải quyết. Trước những vấn đề chưa thuận đang đặt ra, nhiều khi tôi với anh Cư tranh luận mãi, có khi còn gay gắt với nhau. Trên cương vị là thủ trưởng trực tiếp, anh Phạm Hồng Cư không hề áp đặt mà luôn phát huy dân chủ, luôn lắng nghe những ý kiến có tính chất phản biện, xây dựng để đi tìm tiếng nói chung. Chính vì điều này nên anh em ở cơ quan, trong đó có tôi luôn mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình. Tất nhiên vì nhiều lý do, có những cái được tiếp thu, có cái không, nhưng chúng tôi đều hài lòng khi có một thủ trưởng, một người anh như anh Hồng Cư.

Ngay từ hồi đó, sức khỏe của anh Hồng Cư đã không được tốt, anh có bệnh về tim. Thế nhưng, trong công việc anh luôn sâu sát, không ngại khó khăn. Nhất là khi tình hình biên giới phức tạp, anh trực tiếp đi kiểm tra, thăm đơn vị, động viên bộ đội. Tất cả những lần ấy, anh Hồng Cư đều yêu cầu tôi cùng đi. Tôi nhớ, năm 1984, đoàn công tác của quân khu có Phó tư lệnh Phạm Hồng Cư, tôi và đồng chí Nguyễn Minh Tâm-phái viên của Cục Cán bộ (TCCT) hành quân đến thăm một điểm cao bộ đội ta đang đóng quân. Đường đi rất khó khăn, núi non hiểm trở, trong khi trời lại mưa. Tôi không sao quên được hình ảnh đồng chí Nguyễn Minh Tâm bẻ lá ráy rừng che cho anh Hồng Cư, hay có lúc quá mệt, nhưng anh Cư chỉ hạ lệnh dừng lại một chút lấy sức rồi đi tiếp. Bước chân khi thoăn thoắt, khi xiêu vẹo nhưng luôn tiến về phía trước với quyết tâm đến được với bộ đội của vị lãnh đạo quân khu đã ở tuổi gần 60 ấy, tôi vẫn còn nhớ mãi.

Và có lẽ, nhớ nhất là ngày trao quyết định quân hàm Thiếu tướng cho anh Phạm Hồng Cư, diễn ra ngay trong căn nhà gianh, vừa là nơi nghỉ, vừa là nơi làm việc của cán bộ quân khu vào một buổi chiều cuối năm 1983. Hôm ấy chỉ có Tư lệnh Quân khu Đỗ Trình, anh Hồng Cư và tôi. Cầm tờ quyết định từ bộ về, tôi trang trọng đọc trước hai vị chỉ huy của mình. Khi ấy, đáng ra phải đeo kính lão rồi nhưng tôi vẫn cố tình không đeo, vì vậy thấy các chữ rất mờ nên tôi đọc quá chậm và nhìn hơi lâu. Thấy vậy, anh Hồng Cư đưa kính của anh cho tôi và bảo: "Thôi, cậu cầm ngay cái kính hộ mình cái!". Thế là tất cả cùng bật cười...

Trong cuộc đời quân ngũ của tôi, Trung tướng Phạm Hồng Cư là một trong những thủ trưởng, người anh mà tôi rất kính trọng và tôi đã học được ở anh nhiều điều, cả trong công tác và trong cuộc sống.

Trung tướng LÊ VĂN HÂN, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/trung-tuong-pham-hong-cu-nguoi-thu-truong-nguoi-anh-dang-kinh-650933