Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm việc với Tỉnh ủy An Giang
Ngày 22/7, Đoàn công tác Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và định hướng công tác trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của An Giang trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng 8,12%, trong khi các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đều có bước tiến rõ nét. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách và người có công tiếp tục được chú trọng.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đặc biệt đánh giá cao việc An Giang khẩn trương triển khai dự án Đền tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ và người có công tại phường Rạch Giá, cũng như chuẩn bị tích cực cho các công trình trọng điểm hướng tới Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc, một sự kiện đối ngoại mang tầm vóc chiến lược, không chỉ đối với An Giang mà còn với cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt là việc sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý; hoàn thiện hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, dữ liệu; đảm bảo vận hành thông suốt và hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Song song đó, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư cho Trung tâm phục vụ hành chính công thông qua phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm và nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ nghỉ hưu do tổ chức bộ máy sắp xếp lại.
Ông Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe dư luận xã hội về hiệu quả mô hình hành chính mới, tạo sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi từ nhân dân.
Về định hướng chiến lược, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh An Giang cần chủ động, quyết liệt trong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tỉnh cần mạnh dạn tháo gỡ những điểm nghẽn về quy hoạch, hạ tầng, môi trường đầu tư, chuyển đổi số và nguồn vốn; thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp - phân quyền, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế số.
An Giang cũng được định hướng tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới và hải đảo.
Ngoài ra, cần quan tâm phát triển giáo dục, y tế cơ sở, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ vững quốc phòng - an ninh, nhất là tại khu vực biên giới và biển đảo; gắn kết thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và lòng dân, mở rộng hợp tác với các tỉnh biên giới Campuchia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, phát triển bền vững.
Đối với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị An Giang sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị, cập nhật kịp thời tinh thần chỉ đạo từ Hội nghị Trung ương 12, Bộ Chính trị, đặc biệt là định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Quang cảnh buổi làm việc
Văn kiện đại hội cần tích hợp đồng bộ nội dung từ các báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng; đồng thời, cập nhật đầy đủ các nghị quyết trọng điểm của Bộ Chính trị để đảm bảo tính chiến lược và thực tiễn cao.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Sau khi hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính, An Giang hiện có diện tích trên 9.888 km², dân số gần 5 triệu người, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh hội tụ các yếu tố địa lý biển, biên giới và nội địa, sở hữu tiềm năng phát triển vượt trội về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics và đô thị thông minh. Với sự đa dạng văn hóa từ các cộng đồng Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, An Giang có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, văn hóa và xã hội bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, An Giang đã thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 9.100 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt trên 13.400 tỷ đồng; ngành du lịch ghi nhận hơn 14,2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 909.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 37.400 tỷ đồng, minh chứng cho tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình chính quyền hai cấp, cũng như chỉ đạo triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm các chính sách đột phá, mở rộng miễn thị thực cho khách quốc tế, nhằm gia tăng lượng khách đến Phú Quốc và chia sẻ qua các cảng hàng không quốc tế trong vùng.
Ngoài ra, An Giang đề xuất Chính phủ sớm ban hành chính sách đầu tư hệ thống điện lưới, hạ tầng cáp quang đến các đảo Thổ Châu, Nam Du (thuộc đặc khu Kiên Hải) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội song song với củng cố quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo.