Trường bất ngờ quay lại hình thức học online, sinh viên lao đao vì lỡ cọc tiền thuê trọ

Tính đến ngày 21/2, đã có một số trường đại học tại Hà Nội thay đổi phương án cho sinh viên quay trở lại trường như Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ĐH Công Đoàn, ĐH Mỏ - Địa chất... Điều này khiến nhiều sinh viên 'mắc kẹt' vì lỡ đặt cọc tiền thuê trọ trước đó.

Trước tình trạng số ca F0 tăng cao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cho sinh viên tiếp tục học trực tuyến thay vì trở lại trường vào tháng Hai như thông báo trước đó.

Đồng Thu Giang (quê Hải Phòng) cho biết, ngày 9/2, nghe tin trường bắt đầu cho học viên, sinh viên đi học trở lại, Giang cùng bạn bè vội vàng đi tìm phòng trọ mới. Để có thể tìm được phòng trọ phù hợp với nhu cầu của bản thân, cô đã rất vất vả tìm kiếm trên nhiều hội nhóm, trang mạng khác nhau. Hay tin trường đổi phương án, Giang không khỏi bất ngờ.

Không chỉ Thu Giang mà nhiều bạn sinh viên đều có mong muốn sớm được đi học trực tiếp.

Không chỉ Thu Giang mà nhiều bạn sinh viên đều có mong muốn sớm được đi học trực tiếp.

“Mình và bạn bè đi tìm trọ ngay sau Tết. Bọn mình đã đi nhiều nơi và đưa ra quyết định thuê một căn phòng gần trường. Mình vừa mới ký hợp đồng thuê trọ một năm và chuyển tiền cho chủ trọ. Nhà trọ của mình quy định phải ở từ 6 tháng trở lên mới được trả. Nếu trả ngay, mình sẽ mất hết tiền cọc. Hiện tại, mình vẫn ở lại phòng trọ học trực tuyến. Tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp nên mình cũng chưa biết phải xử lý ra sao. Hy vọng trường sẽ có phương án phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên đã đặt cọc tiền trọ”, Giang thổ lộ.

Vừa đặt cọc tiền trọ, Trần Thị Thao, Hải Phòng, (ĐH Greenwich) cũng không khỏi lo lắng: “Gần đây, có nhiều trường đại học cũng như học viện cho sinh viên nghỉ, trường mình hiện cũng đã tạm thời cho sinh viên học trực tuyến. Về lâu dài, đây thực sự là vấn đề nan giải mà mình chưa biết giải quyết ra sao”.

Thao cho biết, đi học trực tiếp giúp bản thân năng động và tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn.

Thao cho biết, đi học trực tiếp giúp bản thân năng động và tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn.

Sau một thời gian dài nghỉ ở nhà, hầu hết sinh viên đều có tâm lý muốn quay trở lại trường. Học online kéo dài gây ra sự chán nản và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, đặc biệt là thị lực của người học. Vì thế, khi hay tin trường tổ chức đi học lại sau Tết, đa số sinh viên đều có tâm trạng hào hứng, phấn khởi và phải gấp rút đi tìm phòng trọ mới. Việc các trường thay đổi phương án bất ngờ khiến nhiều sinh viên “không kịp trở tay”.

P. T. K. (quê Nam Định, trường ĐH Mỏ - Địa chất) cũng là một trường hợp điển hình. Sau khoảng thời gian dài ở nhà vì dịch bệnh, anh cùng bạn bè lên Hà Nội tìm cho mình một phòng trọ phù hợp cả về giá tiền, vị trí địa lý, không gian, sẵn sàng cho việc đi học trực tiếp.

“Hay tin trường tiếp tục cho sinh viên học online, mình chỉ biết diễn tả bằng hai từ “hụt hẫng”. Đối với mình, điều quan trọng không chỉ là không được đến trường, không được gặp bạn bè mà còn là vấn đề thuê trọ. Số tiền mình bỏ ra cọc trọ khá lớn. Đó cũng là gánh nặng kinh tế đối với gia đình. Mình và các bạn đều đang phân vân giữa việc tiếp tục ở lại Hà Nội hay về quê với bố mẹ”, K. tâm sự

Ngày 21/2, trường ĐH Mỏ - Địa chất đã thông tin cho sinh viên tiếp tục học online đến khi có thông báo mới.

Ngày 21/2, trường ĐH Mỏ - Địa chất đã thông tin cho sinh viên tiếp tục học online đến khi có thông báo mới.

Chia sẻ thêm, K. cho biết: “Mình nghĩ, việc đi học lại còn phải phụ thuộc nhiều vào tình hình và diễn biến dịch bệnh, nên hầu hết sinh viên đều phải chấp nhận. Mình mong nhà trường sẽ đưa ra những biện pháp phù hợp giúp sinh viên quay trở lại trường sớm nhất và an toàn nhất”.

Theo thống kê của Bộ GD - ĐT hồi đầu tháng Hai, 100% các trường đại học đều có kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường sau Tết. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, học online tiếp tục là phương án an toàn, hiệu quả được một số trường đại học lựa chọn.

Ngọc Tân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/truong-bat-ngo-quay-lai-hinh-thuc-hoc-online-sinh-vien-lao-dao-vi-lo-coc-tien-thue-tro-post1417980.tpo