Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn: Đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạoTin khácXét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú': Tôn vinh những tấm gương điển hìnhNỗ lực thực hiện Nghị quyết số 116

Những năm qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã quan tâm đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó trở thành địa chỉ uy tín thu hút học sinh trên địa bàn tỉnh vào học.

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn là một trong những cơ sở giáo dục có bề dày truyền thống với chức năng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và đào tạo một số ngành nghề ngoài sư phạm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trường có 12 khoa ngành (8 ngành cao đẳng, 4 ngành trung cấp). Để đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao, những năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu đội ngũ nhà giáo cải tiến nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; gắn lý thuyết với thực tiễn bằng các hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực tế, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo; tổ chức sinh hoạt chuyên đề phát triển năng lực người học tại các khoa chuyên môn nhằm đưa ra các phương pháp giảng dạy phù hợp. Riêng năm học 2020 – 2021, nhà trường đã tổ chức trên 400 buổi sinh hoạt chuyên môn từ cấp tổ trở lên; xây dựng kế hoạch và triển khai 10 đợt rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV).

Một giờ học thực hành tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Một giờ học thực hành tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Cô Hoàng Bích Diệp, giảng viên Khoa Đào tạo giáo viên cho biết: Là giảng viên dạy môn Ngữ văn, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, những năm gần đây, chúng tôi không chỉ dạy học theo cách truyền thống mà còn thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế cho sinh viên.

Bên cạnh đó, hằng năm, nhà trường còn tổ chức cho cán bộ, giáo viên, sinh viên đi thực tế, dự giờ tại các trường phổ thông trong tỉnh, giúp sinh viên được tiếp xúc thường xuyên với môi trường sư phạm, đảm bảo có khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Cùng đó, xây dựng Ban chuyên trách để quản lý và tổ chức đa dạng các loại hình liên kết với doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ sở sử dụng. Hiện nay, nhà trường đã phối hợp với 16 công ty thuộc các tập đoàn khoa học kỹ thuật và kinh tế quốc tế cũng như các công ty trên địa bàn tỉnh nhằm giúp người học tiếp cận thị trường lao động, nắm bắt những yêu cầu thực tiễn để tăng cường tự học, tự bồi dưỡng. Nhờ đó, trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm duy trì đạt trên 80%.

Cùng những cách làm trên, để HSSV có khả năng tư suy, sáng tạo tốt, nhà trường còn tích cực động viên, khuyến khích các em đăng ký tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học bằng việc viết tiểu luận, xây dựng các ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp… Riêng năm học 2020 – 2021, trường có 25 tiểu luận và 6 dự án khởi nghiệp của HSSV được hướng dẫn thực hiện.

Với những cách làm đó, kết quả học tập, rèn luyện của HSSV nhà trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử trong năm học 2020 – 2021, 71,5% HSSV đạt kết quả học tập khá, giỏi, xuất sắc (tăng 6,1% so với năm học 2019 – 2020); 83% HSSV đạt kết quả rèn luyện xuất sắc, tốt (tăng 3,7% so với năm học 2019 – 2020); 94,5% HSSV tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, khá (tăng 5,6% so với năm học 2019 – 2020).

Trao đổi về định hướng phát triển nhà trường trong thời gian tới, Tiến sỹ Phùng Quý Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2021 – 2022, nhà trường đón gần 500 HSSV vào học, nâng tổng số HSSV toàn trường lên hơn 1.200 người. Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, từ đầu năm học, nhà trường tiếp tục khuyến khích đội ngũ giảng viên đổi mới công tác giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng điện tử và tìm kiếm, chọn lọc các tài liệu trên mạng để phục vụ công tác giảng dạy; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến; chú trọng việc đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn bằng các hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực tế, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo… Đồng thời, tăng cường hợp tác đào tạo với các phòng giáo dục, trường học ở trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp; khảo sát mở rộng mã ngành đào tạo thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu của địa phương.

THẢO NGUYÊN

HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/457783-truong-cao-dang-su-pham-lang-son-doi-moi-de-nang-cao-chat-luong-dao-tao.html