Trường hợp nào thì người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?
* Bạn đọc Nguyễn Văn Hiếu ở xã Quảng Lâm, tỉnh Cao Bằng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trong trường hợp nào thì người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
c) Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
* Bạn đọc Vũ Thu Hà ở phường Lê Chân, TP Hải Phòng, hỏi:Đề nghị tòa soạn cho biết, giao dịch dân sự của người chưa thành niên được quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.