Trường Việt Úc bất đồng học phí với phụ huynh, học sinh gánh hậu quả

Ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng hành động từ chối học sinh của trường Việt Úc, TP.HCM, mang tính chất 'dằn mặt', 'giận cá chém thớt', hơn là động thái văn minh trong giáo dục.

Một số chuyên gia cho rằng ngoài vai trò doanh nghiệp, trường tư thục còn có trách nhiệm xã hội về việc dạy dỗ học sinh. Trừ khi học sinh vi phạm nghiêm trọng điều lệ trường học, nếu không, nhà trường không nên từ chối học trò.

Trong việc trường Dân lập Quốc tế Việt Úc từ chối tiếp nhận học sinh vì bất đồng học phí với phụ huynh, các chuyên gia khuyên nhà trường cần xem xét lại quyết định của mình.

 Một số chuyên gia cho rằng trường Việt Úc từ chối học sinh vì bất đồng ý kiến với phụ huynh có thể làm ảnh hưởng uy tín của mình. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.

Một số chuyên gia cho rằng trường Việt Úc từ chối học sinh vì bất đồng ý kiến với phụ huynh có thể làm ảnh hưởng uy tín của mình. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.

Phản giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM cần hướng dẫn giải quyết

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đánh giá hành động từ chối học sinh của trường Việt Úc rất phản giáo dục.

Ông cho rằng trường học, dù là công hay tư, đều có nhiệm vụ giáo dục học sinh. Đó là môi trường giáo dục, đã nhận học sinh thì phải có trách nhiệm cùng gia đình, xã hội dạy các em. Bất đồng, tranh chấp giữa hai bên, nếu có, phải được giải quyết riêng, không thể ảnh hưởng việc học của học sinh.

"Nhà trường chỉ từ chối học sinh khi phụ huynh vi phạm nghiêm trọng hợp đồng giữa hai bên hoặc học sinh vi phạm nội quy, điều lệ trường một cách nghiêm trọng, theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu không, trường không nên từ chối dạy học sinh", nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết.

Hơn nữa, theo ông Ngai, hành động từ chối học sinh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà trường. Không chỉ 40 phụ huynh này, những cha mẹ đang có con học tập tại đây, hoặc có ý định cho con vào trường học, cũng sẽ có suy nghĩ, cân nhắc.

“Trường làm vậy giống như trả đũa phụ huynh, 'giận cá chém thớt' hơn là hành động văn minh trong môi trường giáo dục. Không ai lại 'mang con bỏ chợ' như vậy. Trường nên kiên nhẫn hơn khi giải quyết vấn đề bất đồng với phụ huynh, thay vì từ chối học sinh, phủi sạch trách nhiệm”, ông Ngai nói.

Mặt khác, ông Ngai cũng cho rằng Sở GD&ĐT TP.HCM, với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp, cần hướng dẫn hai bên giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.

Không nên đưa học sinh vào tranh chấp

Nói về việc trường Việt Úc từ chối học sinh, bà Tô Thị Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, đánh giá nhà trường trên 2 vai trò.

Nhà trường chỉ từ chối học sinh khi phụ huynh vi phạm nghiêm trọng hợp đồng giữa hai bên hoặc học sinh vi phạm nội quy, điều lệ trường một cách nghiêm trọng. Nếu không, trường không nên từ chối dạy học sinh.

Nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai

Ở vai trò là trường học, hành động từ chối học sinh là chưa đúng. Nhưng trên bình diện doanh nghiệp, trường có quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho phụ huynh - từ chối tiếp nhận học sinh học tập.

“Dù khúc mắc, bất đồng giữa phụ huynh và trường như thế nào, cũng không nên để trẻ gánh chịu hậu quả. Trường học không nên từ chối học sinh, trừ khi em ấy phạm pháp”, bà Quyên nhận định

Theo nữ chuyên gia, nếu hành xử đúng hơn, nhà trường nên trao đổi với phụ huynh về việc tiếp tục học tập của con em mình, trước khi đi đến quyết định không nhận học sinh.

"Trường có thể hỏi ý kiến phụ huynh về nhu cầu học tập của con em họ tại trường. Nếu bất đồng ý kiến, không còn nhu cầu, phụ huynh có thể chuyển trường. Nhưng nếu học sinh và phụ huynh vẫn muốn cho con học tại đây, hai bên cùng giải quyết bất đồng", nữ chuyên gia nói.

TS Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục Mỹ, từng là cố vấn Hội đồng tuyển sinh ĐH Harvard, cho rằng trong trường hợp này, nhà trường nên đặt trọng tâm vào học sinh.

Mọi hành động cần được xem xét, làm thế nào để không ảnh hưởng việc học và tâm lý học sinh, đặc biệt là những em chuẩn bị lên lớp 12. Những yếu tố về giáo dục, trách nhiệm và cư xử văn minh cần được đặt lên trên.

 TS Trần Đức Cảnh cho rằng nhà trường và phụ huynh không nên đưa học sinh vào những tranh chấp ngoài vấn đề học tập. Ảnh: NVCC.

TS Trần Đức Cảnh cho rằng nhà trường và phụ huynh không nên đưa học sinh vào những tranh chấp ngoài vấn đề học tập. Ảnh: NVCC.

“Phải lấy học sinh làm trung tâm, hai bên nên hành xử văn minh, tránh tác động, ảnh hưởng, thiệt hại đến học sinh. Không đưa học sinh vào sự tranh chấp giữa trường và phụ huynh. Tinh thần làm giáo dục phải nghĩ rộng và lâu dài, không nên chỉ để ý đến vấn đề trước mắt, thu tiền, trả tiền ít hay nhiều”, ông Cảnh nói.

Mặt khác, ông cho rằng việc phụ huynh và nhà trường không thống nhất với nhau về chính sách học phí trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, đưa ra tòa là cách giải quyết văn minh và ổn thỏa nhất.

'Trường Việt Úc từ chối 40 học sinh là chưa đúng luật, không nhân văn' Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng cách hành xử của trường Việt Úc chưa đúng với các quy định pháp luật và không đảm bảo tính nhân văn.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-viet-uc-bat-dong-hoc-phi-voi-phu-huynh-hoc-sinh-ganh-hau-qua-post1103921.html