Truyện ngắn: Dưa chua nhà lão Duan

Một ngày cuối Thu năm tôi mười hai tuổi, có chàng trai khoảng hai mươi tuổi tên Duan Xiaopi đến nhà tôi, trên tay ôm lọ dưa chua.

Bà nội nghe vậy rất vui mừng, hỏi: “Con là con trai lão Duan sao, bố mẹ con thế nào rồi? Vết thương ở lưng của mẹ con đã lành chưa?”.

Xiaopi nghe bà nội hỏi, liền òa khóc: “Mẹ con bây giờ không thể đứng dậy nổi. Bố con đã lấy tiền bồi thường rồi bỏ đi một năm nay rồi”. “Cái gì? Bố con lấy tiền rồi bỏ đi sao?”. Bà nội cao giọng, vội vàng hỏi chuyện gì đã xảy ra.

Hóa ra, trước khi đến Thừa Đức, chúng tôi là hàng xóm của gia đình Xiaopi ở Đông Bắc. Gia đình anh có chiếc xe tải nhỏ 310 chuyên vận chuyển hàng hóa. Bố anh giỏi giao tiếp, chịu đựng gian khổ, luôn bận rộn, không lúc nào ngồi yên một chỗ.

Một ngày nọ, có lẽ do quá mệt mỏi khi chở hàng nên chiếc xe tải do ông điều khiển bất ngờ lao ra giữa sông. Hôm ấy, bà nội đang giặt quần áo gần đó với một vài phụ nữ. Nhìn thấy chiếc xe lao xuống, bà vội gọi người đến giúp. Nước sông tuy không sâu nhưng cũng đến thắt lưng người lớn.

Bà nội cùng mọi người ra giữa sông, thấy bố Xiaopi mắc kẹt trong xe, người lộn ngược và ngất xỉu. Bà nội vội vàng chạy tới, dùng sức kéo cửa xe nhưng nó không hề xê dịch. Bà nội đập mạnh vào cửa kính ô tô, hét lên: “Này! Tỉnh lại đi, không được ngủ!”.

Tiếng hét có tác dụng, bố Xiaopi từ từ mở mắt, dùng lực cử động thân thể, đưa tay hướng về phía cửa xe. Nhưng cánh cửa hình như bị khóa, kéo kiểu gì cũng không mở. Ông nhìn bà nội, giơ tay lên vẫy yếu ớt rồi lại nhắm mắt. Bà nội sợ bố Xiaopi ngủ nên kéo mạnh rồi đập liên tục vào cửa xe và hét lên.

Thời gian từng phút trôi qua, bà nội cùng mọi người vùng vẫy dưới nước cũng đã thấm mệt. Lúc này, bố tôi mang theo một chiếc xà beng, cùng dân làng chạy đến. Cuối cùng, họ cũng mở được cửa xe, cứu được bố Xiaopi. Sau đó, bà nội nhờ dân làng giúp vớt hàng hóa vương vãi trên sông.

Vất vả cả buổi chiều, về đến nhà, bà nội liền đổ bệnh, lạnh toàn thân, tay chân lạnh buốt. Ông bác sĩ trung y Yu đến nhà bắt mạch, nói rằng bà nội bị cảm, hơn nữa hai chân ngâm lâu trong nước sông lạnh nên bị viêm khớp dạng thấp. Lão Yu kê cho bà nội thang thuốc bắc và châm cứu. Sau một tuần, bà nội đã có thể từ từ đứng dậy và đi lại.

Bố Xiaopi cũng được đưa vào bệnh viện và xuất viện vài ngày sau đó. Sau khi xuất viện, vợ ông không yên tâm để chồng một mình vận chuyển vất vả nên hai vợ chồng thay nhau làm việc. Tuy nhiên, chuyện không may vẫn xảy ra.

Ngày nọ, xe của họ va chạm với xe tải. Trong lúc nguy cấp, mẹ Xiaopi liền kéo chồng nhảy khỏi xe, hậu quả là bà bị gãy cột sống, còn ông chỉ bị xây xát. Sau khi thương lượng, tài xế xe tải đã bồi thường một số chi phí điều trị và các chi phí khác.

Vài ngày sau tai nạn của bố mẹ anh, gia đình chúng tôi rời Đông Bắc và đến Thừa Đức do bố tôi luân chuyển công tác. Trước khi đi, bà nội mua một ít đồ đến bệnh viện thăm mẹ Xiaopi. Mẹ anh bảo mình có thể đi lại sau cuộc phẫu thuật trong vài ngày tới. Bà nội động viên: “Cháu nhất định sẽ khỏi bệnh. Cháu phải chữa trị xong trước khi xuất viện!”.

Kết quả, mẹ Xiaopi nằm viện chưa đầy một tháng, chồng bà đã bỏ lại hai mẹ con, biến mất với số tiền được bồi thường. Xiaopi lúc đó vừa trúng tuyển vào một trường đại học ở Thừa Đức, cần tiền đóng học phí.

Vì muốn con trai được đi học, mẹ anh không còn cách nào khác nên đã xin bệnh viện hoàn tiền trước khi phẫu thuật. Bà chọn phương pháp điều trị bảo tồn và về nhà nghỉ ngơi. Tháng sau, để chăm sóc mẹ tốt hơn và không bị trì hoãn việc học, Xiaopi đưa mẹ đến Thừa Đức, thuê một căn nhà gần trường, vừa làm gia sư, vừa chăm sóc mẹ.

Anh ấy đến nhà tôi vào năm thứ hai đại học, bằng cách nào đó, anh ấy tìm ra địa chỉ của chúng tôi. Mẹ anh ấy bảo anh đến, bà làm ít dưa chua mang sang biếu. Nhân tiện, anh muốn nhờ bố tôi tìm giúp một công việc trong cơ quan nhà nước, ngoài làm gia sư, anh muốn tìm công việc văn phòng. Vì chỉ làm gia sư thì việc đóng học phí và trang trải cuộc sống có phần khó khăn.

“Nào, đưa bà xem món quà nào!”. Bà nội vừa mở lọ vừa cười nói. Chưa cần mở hũ dưa ra, những loại rau củ nhiều màu sắc bên trong cũng khiến mọi người thấy ngon miệng và muốn thử. Tôi và anh trai không kìm được liền nhặt mấy miếng bỏ vào miệng. Một hương vị mới lạ tràn ngập vị giác. “Ôi, giòn và ngon quá!”, tôi không nhịn được hét lên.

Hai chúng tôi muốn ăn thêm nhưng mẹ vội ngăn lại. Mẹ dùng đũa gắp ra bát và bữa ăn hôm đó, chúng tôi được ăn món bánh bao dưa chua và cháo gạo nếp. Bà nội bảo Xiaopi ăn cùng. Anh cũng không khách sáo ăn liền lúc bốn cái bánh, hai bát cháo. Bà nội bảo có lẽ anh ấy quá đói rồi. Sau bữa ăn, anh muốn mang về cho mẹ hai cái, bà nội nói: “Con không phải lo, đừng để lỡ giờ học”.

Bà nội hỏi anh sống ở đâu, rồi mang theo bánh và cháo cùng mẹ đến nhà anh.

Chạng vạng tối, bà nội và mẹ về đến nhà. Phía sau, mẹ đang dìu mẹ Xiaopi, bà nội liền dặn bố: “Da Hua, đi thắp đèn, dọn dẹp nhanh căn phòng trước vợ chồng em trai con thuê”. Những gì bà nói như thánh chỉ và bố tôi làm theo mà không hỏi tại sao.

Hóa ra bà nội nảy ra ý nghĩ sau khi ăn món dưa chua. Năm đó, chú tôi bị tai nạn ô tô, đến Thừa Đức chữa bệnh. Thím tôi liền thuê một căn nhà có mặt tiền nhỏ, phía sau có thể ở để buôn bán hạt hướng dương.

Cửa hàng này lúc đó là cơ sở kinh doanh đầu tiên ở Thừa Đức, kiếm được khá nhiều tiền, sau khi tính toán chi phí điều trị cho chú thì thím vẫn tích góp được kha khá. Thím tôi là đứa con hiếu thảo nên đã đưa phần lớn tiền cho bà nội, chỉ để lại một khoản nhỏ để trả tiền đi lại và ăn uống khi về Đông Bắc.

Thật may là căn nhà chưa hết hạn hợp đồng, cũng chưa cho thuê. Bà nội đã đưa hai mẹ con Xiaopi về ở. Bà nội muốn cùng mẹ anh kinh doanh, bà nội sẽ trả tiền thuê nhà và một số chi phí khác, mẹ anh chỉ cần chịu trách nhiệm việc muối dưa.

Thực ra, ai cũng biết bà nội muốn giúp đỡ hai mẹ con họ. Bà nội nói: “Họ đều là người cùng làng. Đừng nói họ có khó khăn mà tìm đến chúng ta, dù không đến tìm, chúng ta biết cũng không thể không giúp”.

Anh trai quay sang hỏi đùa tôi: “Trước đây, nhà chúng ta rất nghèo, em có biết tại sao trở nên khá giả không?”. Tôi đáp: “Không phải vì bán hạt hướng dương sao?”. Anh đùa: “Do bà nội keo kiệt với chúng ta, nhưng lại rất rộng lượng với người ngoài đấy”. Bà nội nghe vậy, lập tức lo lắng hét lên: “Người ngoài? Mẹ con Xiaopi không phải người ngoài, cô ấy là người Đông Bắc nhà chúng ta! Người Đông Bắc là một gia đình!”.

Khi đó, cuộc sống trong khu trong không mấy sung túc, mọi người đều ăn uống thanh đạm, ngũ cốc nguyên hạt là lương thực chủ yếu, dưa muối là món chính. Đều là dưa chua, nhưng món dưa chua do mẹ Xiaopi làm lại có hương vị khác. Nghe nói cô ấy có cách làm rất độc đáo.

Trước khi kết hôn, cô làm tại cửa hàng bán dưa chua ở miền Nam và học nghề từ chủ suốt một năm. Vì vậy, cô có thể làm dưa chua với nhiều hương vị khác nhau, ngọt, mặn và cay. Hôm đó, bà nội ăn dưa chua mang tới, cảm thấy rất đặc biệt, chỉ nhìn màu sắc thôi là đã muốn thưởng thức. Món dưa chua của cô không chỉ đẹp về màu sắc mà còn rất ngon. Thế nên, bà nội nảy ra ý tưởng bán dưa chua.

Sau khi thu dọn gọn gàng, bà nhờ mẹ tôi mua những loại rau và một số gia vị cần thiết cho món dưa chua theo lời mẹ Xiaopi. Mẹ tôi rửa sạch nguyên liệu, mẹ Xiaopi suốt đêm hướng dẫn mẹ cách cắt và ướp. Còn bố tôi viết cái biển hiệu lớn: “Dưa chua nhà lão Duan”.

Một tuần sau, quán dưa chua khai trương, mẹ tôi cắt mấy miếng đặt ở quầy hàng để khách nếm thử miễn phí. Ban đầu, mọi người tưởng chỉ là dưa chua, nhưng sau khi nếm thử thì ai cũng tấm tắc khen ngon. Chỉ vài ngày, cửa hàng cháy hàng. Không bao lâu, tiếng lành đồn xa, cửa hàng đã trở nên nổi tiếng.

Một thời gian sau, tiền thuê nhà, tiền nguyên liệu đã kiếm lại được và còn gấp đôi tiền vốn. Ngoài ra, qua giới thiệu từ đồng nghiệp của bố, cửa hàng còn ký được hợp đồng với một cửa hàng trên thành phố.

Khoảng thời gian này, bà nội cũng nhờ mẹ đưa mẹ Xiaopi đến tiệm thuốc bắc Qu Shoucai khám bệnh và cắt thuốc. Dần dần, vết thương ở lưng cô cũng thuyên giảm, bệnh có chuyển biến tốt, đã có thể sử dụng nạng để di chuyển.

Hai năm sau, anh Xiaopi cũng tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm ở văn phòng lưu trữ với sự giúp đỡ của bố tôi. Vết thương ở lưng mẹ anh gần như đã bình phục.

Bà nội cũng bàn giao toàn bộ cửa hàng cho cô ấy, nói: “Bây giờ, cháu đã khỏe, việc kinh doanh cũng thuận lợi, bác và con dâu chỉ giúp cháu đến đây thôi. Nếu cháu thấy bận thì hãy thuê nhân viên thời vụ làm cùng”.

Sau khi bà nội và mẹ giao cửa hàng dưa chua cho mẹ Xiaopi, cửa hàng cũng không thuê thêm ai. Ngày nọ, một người ăn xin rách rưới đột nhiên đến cửa hàng và nói rằng ông là bố Xiaopi. Ông ta đứng ngoài cửa run rẩy cúi đầu gọi “con trai” với nước mắt chảy dài trên khuôn mặt.

Thì ra năm đó ông đã lấy tiền đi liên doanh với người ở nơi khác nhưng bị lừa hết, xấu hổ không dám về nhà, lang thang nơi khác hơn hai năm, không thể chịu đựng được nữa nên quay về Đông Bắc. Dân làng kể cho ông nghe rằng con trai và vợ đã đến Thừa Đức nên ông lấy hết can đảm bằng mọi cách để tìm được họ.

Sự xuất hiện đột ngột của ông khiến hai mẹ con Xiaopi bất ngờ. Xiaopi lúc đó rất mâu thuẫn. Anh hận ông bỏ nhà đi, lấy số tiền cứu mạng của mẹ trong lúc khốn cùng, anh cũng từng thề cả đời sẽ không bao giờ tha thứ cho ông. Anh không hề nghĩ đến việc ông sẽ quay lại vì họ.

Xiaopi rất khổ tâm về việc này nên đã đến nhà tôi xin lời khuyên từ bà nội. Bà nội nói: “Nghĩ đến việc bố con không để ý đến mạng sống của vợ mà biến mất không dấu vết, thật là đáng trách! Nhưng nghĩ mà xem, ông ấy dù sao cũng là bố ruột con, trước đây ông ấy cũng hi sinh, vất vả kiếm tiền nuôi con và chăm sóc gia đình. Hãy để quá khứ qua đi. Hãy tha thứ cho ông ấy”.

Sau khi nghe lời khuyên, anh Xiaopi cảm thấy lời bà nói có lý, tự nhiên cũng nghĩ thông. Anh về nhà giúp mẹ hoàn thành công việc và để bố vào nhà.

Sau khi bố Xiaopi trở về, việc kinh doanh của cửa hàng vẫn rất khấm khá. Nửa năm sau, gia đình họ đến chào tạm biệt chúng tôi. Họ muốn quay trở lại Đông Bắc. Họ quyết định quay trở lại quê hương và tiếp tục mở cửa hàng dưa chua. Xiaopi đã tốt nghiệp đại học và có một công việc như ý, hai vợ chồng họ cũng thở phào yên tâm.

Mẹ anh đặc biệt cảm ơn bà nội cùng gia đình chúng tôi vì sự ấm áp và giúp đỡ gia đình họ khi khó khăn. Gia đình tôi như tia sáng của niềm hy vọng trong đêm tối. Họ đã lang thang bên ngoài nhiều năm nên đã đến lúc cần trở về nhà gặp lại dân làng và người thân. Dù sao Đông Bắc cũng là quê hương, họ trở về để xây dựng cuộc sống ổn định và phụng dưỡng bố mẹ.

Sau khi trở về, gia đình Xiaopi tiếp tục công việc kinh doanh và rất phát đạt trong những năm đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng về vùng Đông Bắc mấy lần, vừa đến đã nhìn thấy dòng chữ “Dưa chua lão Duan” trên tấm biển đỏ lớn. Anh Xiaopi sau đó cũng nghỉ việc ở Thừa Đức, trở về vùng Đông Bắc, kết hôn với một cô gái gần đó, hai người nối nghiệp gia đình khởi nghiệp kinh doanh dưa chua…

Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)

Truyện ngắn của He Ye (Trung Quốc)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-dua-chua-nha-lao-duan-post662378.html