Truyện ngắn: Quà Tết cho lối xóm...

Xóm nhỏ; nhà nhà “kinh tế cơ bản” toàn làm ruộng nuôi bò. Thư thả hơn mới có thêm con heo thả chuồng hay đàn gà chạy rông. Vậy nhưng vườn thì bắt buộc nhà ai cũng có. Quê không vườn tược sao gọi quê? Mẹ hay bảo vậy. Thiệt! nhà bác Sáu vườn to hàng nửa mẫu, dòm ngang dòm dọc thấy mênh mông, trồng đủ loại cây ăn trái hấp dẫn. Có lần bọn nó táy máy đột nhập vô vườn nhà bác hái trộm ổi bị bác phát hiện, đuổi. Cả đám vắt giò lên cổ chạy đến tháo mồ hôi vẫn chưa ra khỏi vườn! Vườn nhà cô Ba, chú Chín bé hơn; nhưng cũng phải hơn sào đất, cây cối xanh um, thừa chỗ chui bờ lủi bụi. Chơi trốn tìm chui vô đó đố đứa nào tìm ra...

MH: VÕ VĂN

MH: VÕ VĂN

Chỉ mỗi vườn nhà nó là bé như cái... đít cóc!
Trồng được một cây bưởi Năm Roi đã choán hết nửa miếng đất. Nửa còn lại "dụ" mẹ trồng thêm cây mận mẹ nhất định không; bảo để trồng rau ăn. Rau ngon lành gì đâu trời? Thiệt; bữa cơm ngày ngày ngồi vào mâm nó toàn hăm hăm chực gắp cá, thịt; cấm bao giờ đụng tới miếng rau. Bất đắc dĩ bị mẹ la mới gắp vài cọng nhai lấy lệ. Mà cũng phải thứ rau ngọt không đắng không cay như xà lách, mồng tơi chẳng hạn; chứ cỡ tía tô, rau húng hay... khổ qua thì đừng hòng! Nói vậy thôi; chuyện mẹ đã quyết thì chớ có cãi. Không cãi; nhưng lén... lùng bùng cho đỡ ức: Lúc nào cũng rau, rau! Chán thí mồ...
May còn “an ủi” được cây bưởi!

*

Mới đầu tháng Chạp đi quanh xóm đã nghe nói chuyện Tết. Xóm nghèo; ăn Tết chủ yếu toàn toàn món tự làm tự trồng tự nuôi, không lo sớm lấy gì ăn? Vậy nhưng làm gì, nuôi gì, trồng gì không phải nhà nào trong xóm cũng giống nhau. Nhà chú Tám Hỏi trồng hoa vạn thọ bán Tết nên không dám nuôi gà. Nhà cô Ba Xuân "chuyên canh" rau bỏ sỉ các chợ cũng vậy. Còn lũ gà vịt thấy rau, thấy hoa đương nhiên mắt lom lom sáng tựa đèn pin; sểnh ra rau, hoa chắc chỉ còn... gốc! Vậy nhưng trừ hai nhà đó, còn trong xóm ai ít nhiều cũng thả vài ba con gà, chục con vịt dành ăn Tết. Chú Bảy Thuyền, cô Tư Thông chuẩn bị Tết còn “hoành tráng” hơn: Mỗi nhà một con heo, vỗ béo chờ tới Tết sẽ rủ hùn nhau mổ thịt, chia phần! Hôm qua thằng Nóc con cô Tư gặp nó thì thào: Tao dặn mẹ tao rồi, heo mà mổ ra nhất định tao phải "canh me" xí phần cái bong bóng!

Kệ mày chớ, nói chi cho tao... bắt thèm, nó lùng bùng nghĩ. Sao sắp Tết nhà ai cũng món này món khác, nhà mình không có món gì là sao ta. Nghèo như cô Hai Ánh, Tết nhà cũng có một hàng đu đủ bên hiên trái sai rật. Nghe cô hứa biếu mỗi nhà xung quanh một cặp đơm cúng Tết. Hình như nhà nó cũng có phần hay sao á. Chú Chín Đương dỡ vồng khoai mài cũng hứa cho mẹ một củ để dành nấu canh. Khoai mài nấu thịt nạc nêm lá hành; nước canh đặc sệt, thơm nức; là "đặc sản" miễn chê ba bữa Tết. Không phải mẹ hỏi xin đâu nha; là cô chú đánh tiếng, đề nghị trước! Nữa; hôm qua thím Hà, em dâu của ba qua chơi cũng dặn anh chị đừng mua gà vịt; để cuối năm em bắt qua cho cặp vịt với con gà mái mơ! Rau Tết với hoa Tết đương nhiên càng khỏi lo: Đường nào hăm chín - quá lắm ba mươi tháng Chạp - cô Ba Xuân với chú Tám Hỏi chẳng khệ nệ mang qua? Tình làng nghĩa xóm, biếu xén cuối năm, có gì biếu nấy xóm nó đã thành lệ...
Kể cũng ấm áp. Có điều nó thấy hơi... ngại.

Căn nguyên chuyện ngại là bởi nhà nó Tết năm nay chẳng có gì để biếu lại. Gà vịt heo đương nhiên không chỗ nuôi đã đành; nhưng mọi năm còn ngó chừng cây bưởi Năm Roi. Bưởi đẹp, lại giống "đặc sản" nên được xem như quà quý. Thiệt chớ bộ giỡn: Cây bưởi này ba đi công việc mãi tận trong Nam mới xin được giống về trồng. Cây con chiết cành, giữ nguyên được đặc tính của cây mẹ nên trái vừa to vừa ngọt. Mọi năm giờ này bưởi đã trĩu cành, sai lúc lỉu. Mẹ chăm kỹ lắm: Trái bưởi mới bằng cổ chân mẹ đã lo tìm bao ni lông bọc lại phòng ngừa ruồi đục quả. Trái lớn chút mẹ lo gió mưa giật rụng, cột dây nhợ giằng níu tứ tung. Lớn thêm nữa - cữ trái bắt đầu ăn được - mẹ lại lo chong đèn, xích con Tô nằm gần gốc bưởi. Chưa thật yên tâm; đêm đêm mẹ còn thức giấc ba bốn bận chạy ra... canh phụ! Có con Tô rồi; bà lo xa chi dữ?? Ba đang ngủ chợt thức giấc, mắt nhắm mắt mở vừa hỏi vừa ngáp. Mẹ hứ cái cốc: Không lo mà được? Không lo để cuối năm còn... cái cây không, lấy gì quà Tết cho người ta?

Phải; quà Tết một cặp bưởi Năm Roi mới hái ửng vàng, tươi mởn đương nhiên thuộc loại "quà độc" không có đối thủ, ai mà hổng mê? Vẫn biết xóm làng tình nghĩa biếu lại biếu qua không ai đi căng ke chuyện đắt rẻ hoặc ít nhiều; nhưng dù gì quá biếu của mình giá trị cao vẫn thấy có chút... tự hào. Chẳng trách cây bưởi cuối năm được mẹ săm soi, chăm bẵm kỹ đến vậy.

Thế nhưng năm nay thì mọi sự đã... trớt qướt, phủi tay! Bưởi ra hoa, đậu trái trúng đợt sương muối bất thường khiến trái non rụng sạch. Nhắc tới sự cố buồn bực ấy ba không ngừng chép miệng. Còn mẹ; lâu lâu mẹ lại dừng việc, ngó ra cây bưởi quý trái sai rật mọi năm giờ cành lá trụi trơ với bộ dạng thẫn thờ...

*

Buồn bực gì cũng tạm gác. Tết tới đít rồi; còn phải lo vụ gói bánh chưng, bánh tét!
Nói bánh chưng, bánh tét mới nhớ! Gì chớ gạo nếp nhà nó tương đối... ê hề, không lo thiếu! Thiệt; năm nào tới vụ gieo sạ ba cũng chừa riêng nửa sào đất tốt trồng nếp Tượng. Nếp ngon hiếm thấy. Đã dẻo, thơm, lại không hề có vị nhân nhẩn như các giống nếp "thị trường"; có điều trồng rất cực. Sinh trưởng dài ngày thì chớ, lại còn khâu gặt đập bụi nếp xót ơi là xót! Kệ; ráng chịu khó chút để có món ngon cúng ông bà... - ba hay động viên mỗi khi nghe mẹ còm ròm. Làm cực vậy nên nếp ấy ba không bán; dành nhà làm cơm rượu, thổi xôi và gói bánh mỗi dịp giỗ, Tết. Nếp ngon ra bánh ngon; ai ăn một lần cũng phải tấm tắc - cho dù món bánh tét, bánh chưng không chỉ mình nhà nó có.

Hăm tám Tết, lá lảy dây lạt gói bánh được bày ra. Nếp mẹ đã ngâm; nhân cũng chuẩn bị sẵn. Ba tương đối tháo vát, xúm một tay cùng mẹ với chị Hai gói bánh, buộc bánh cho lẹ. Nó ham vui, lăng xăng đợi... sai vặt vòng ngoài. Sắp lá, trải nếp, chêm nhân rồi cuốn, gấp, đập vỗ - nhìn tay mẹ làm cứ nhanh thoăn thoắt. Làm thì làm vậy nhưng trông bộ mẹ không được vui, trán hằn riết nếp nhăn. Buộc xong đòn bánh thứ hai; chẳng hiểu nghĩ ra chuyện gì mẹ thả đụi đòn bánh xuống nia, vỗ trán "à" lên một tiếng, quay lại bảo ba:
Ông nè; vậy mà tui không nghĩ ra: Còn bao nếp dành đám giỗ tháng Giêng ông đem xay luôn đi...
Chi? Nếp Tết tui xay đủ rồi mà? Ba ngạc nhiên.
Tui tính... đem biếu bà con mỗi người một cân nếp Tượng; coi như quà Tết...
Trời! Vậy ra giêng mình lấy gì làm giỗ?
Kệ, chừng ấy tính sau. Năm Tết có một lần - mình không có gì làm quà cho anh chị em thấy bứt rứt lắm...
Nhưng... bà không nói sớm, bữa nay máy họ nghỉ Tết, ai đâu còn xay??
Ờ ha... Mẹ chợt xẹp xuống như trái bóng xì hơi, mặt mũi buồn xo. Thương mẹ quá. Tự nhiên trong đầu nó vụt nảy ý. Nó rụt rè:
Con thấy... hay mình gói bánh nhiều nhiều; nấu xong đem cho mỗi nhà một cặp?
Vậy còn đâu nhà mình ăn Tết? Chị Hai nạt.
Sao không còn? Này nhé! Còn gà vịt của thím Hà. Thịt heo của cô Tư. Khoai mài của chú Chín. Bánh thuẫn, mứt gừng của dì Bảy... - nó gân cổ cãi.
Nghe đến đó mặt mẹ chợt giãn ra, tươi tỉnh. Mẹ cười:
Thôi, con Hai đừng cãi nữa. Theo ý thằng Út đi. Tết năm nay nhà mình nhịn bánh chưng, bánh tét một năm.Thằng nhỏ coi vậy mà sáng!
Nó nghe, sướng quá cười tít mắt...

Y NGUYÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202312/truyen-ngan-qua-tet-cho-loi-xom-9db0f95/