Truyền thông đóng vai trò chiến lược trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc lan tỏa nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là nội dung nổi bật được nhấn mạnh tại Hội nghị Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam - cho biết: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã xác định rõ đây là chính sách ưu tiên hàng đầu, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam. (Ảnh: Vũ Lê)

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam. (Ảnh: Vũ Lê)

Thời gian qua, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Bộ Công Thương đã triển khai chương trình dán nhãn năng lượng cho 19 nhóm sản phẩm, với hơn 20.000 sản phẩm được dán nhãn, giúp người tiêu dùng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện. Việc loại bỏ 45 triệu bóng đèn sợi đốt cũng như nâng cao hiệu suất năng lượng của điều hòa không khí thêm 13% mỗi năm đã góp phần tiết kiệm khoảng 100 triệu kWh điện/năm.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ triển khai, Luật cũng bộc lộ nhiều bất cập như chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, thiếu cơ chế khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp, hay chưa thúc đẩy được đổi mới công nghệ xanh.

Để khắc phục những hạn chế này, tháng 6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 77/2025/QH15). Luật mới quy định rõ hơn trách nhiệm của địa phương, tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát và đặc biệt là bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Luật cũng mở rộng đối tượng dán nhãn năng lượng sang vật liệu xây dựng và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến công nghiệp.

TS. Trần Bá Dung - nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

TS. Trần Bá Dung - nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

Tại Hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò thiết yếu của truyền thông trong việc đưa chính sách vào cuộc sống. TS. Trần Bá Dung - nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam - khẳng định: “Báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin chính sách, mà còn là diễn đàn lan tỏa sáng kiến, thúc đẩy hành động và tạo ra áp lực tích cực nhằm thay đổi nhận thức và hành vi cộng đồng”.

Ông cũng đề xuất đội ngũ báo chí cần đa dạng hóa hình thức truyền thông, cá nhân hóa thông điệp, tận dụng nền tảng số và hợp tác với người có ảnh hưởng (KOLs), để nâng cao hiệu quả truyền tải.

Theo bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), những thông tin gần gũi, kịp thời và có chiều sâu là “chìa khóa” để khơi dậy tinh thần trách nhiệm và hành động của toàn xã hội trong thực hành tiết kiệm năng lượng. Bà nhấn mạnh: “Truyền thông chính là lực đẩy quan trọng giúp chính sách đi vào cuộc sống. Những người làm báo không chỉ cần kiến thức kỹ thuật mà còn cần kỹ năng kể chuyện để truyền cảm hứng và tạo sự thay đổi thực sự”.

Hội nghị là dịp kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và báo chí - những “cầu nối” quan trọng trong việc thúc đẩy thói quen sử dụng năng lượng một cách thông minh, tiết kiệm và bền vững - góp phần vào mục tiêu phát triển xanh và giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/truyen-thong-dong-vai-tro-chien-luoc-trong-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-730504.html