Truyền thông Malaysia: Bóng đá trẻ Malaysia đang trả giá

'Những chú hổ' Malaysia dù gầm vang ở cấp đội tuyển quốc gia nhưng bóng đá trẻ Malaysia đang trả giá.

 Bóng đá trẻ Malaysia đang trả giá vì nhập tịch cầu thủ ngoại. Ảnh: BERNAMA

Bóng đá trẻ Malaysia đang trả giá vì nhập tịch cầu thủ ngoại. Ảnh: BERNAMA

Trong khi đội tuyển Malaysia vùi dập Việt Nam 4-0 ở vòng loại Asian Cup và bay cao nhờ làn sóng tài năng nhập tịch cùng cầu thủ gốc gác nước ngoài, thì đội U-23 quốc gia vừa trải qua sự thật bẽ bàng ở Jakarta.

Không phải là bẽ bàng nhẹ. Đó là những khuôn mặt đỏ bừng, cái đầu cúi gằm, và vô số câu hỏi cần lời giải.

Được coi là bệ phóng quan trọng trong hệ sinh thái bóng đá quốc gia, bóng đá trẻ Malaysia đang trả giá vì những sự chệch choạc, thiếu định hướng, mất phương hướng và quan trọng nhất là… vô hại, tờ NST của Malaysia nhấn mạnh.

Nỗi xấu hổ ở Jakarta

Trận thua bạc nhược 0-2 trước Philippines được “đổi” tạm bằng chiến thắng 7-1 trước đội lót đường Brunei. Nhưng ngay cả tỉ số đậm đó cũng không thể che giấu sự mục ruỗng bên trong.

Thực tế Malaysia gần như đã bị loại khỏi Giải vô địch U-23 Đông Nam Á. Muốn lách qua khe cửa hẹp, họ phải đánh bại đội chủ nhà Indonesia với cách biệt ít nhất 3 bàn. Một kỳ tích khó xảy ra.

Thất bại đau đớn ngay trận ra quân là cú đấm giáng mạnh vào tham vọng. Cầu thủ 18 tuổi Otu Bisong của Philippines khiến hàng thủ Malaysia chao đảo và ghi 2 bàn thắng ấn tượng. Bất chấp những lời tung hô trước giải, những khẩu hiệu chiến thuật như “Nafuzi Ball”, thực tế lại giống như “Nafuzi Fall”.

Đội bóng không chỉ thi đấu dưới sức — họ còn thi đấu như thể không có linh hồn. HLV Nafuzi Zain, người từng được ca ngợi với lối chơi pressing tốc độ cao tại Terengganu và Kedah, hoàn toàn bất lực trong việc khai thác sức mạnh từ lứa cầu thủ này.

Sở hữu bóng 70% – vô nghĩa nếu không biết khai thác

Thống kê cầm bóng lên tới 70% trước Philippines tưởng như là tích cực, nhưng với tỉ lệ dứt điểm trúng đích chỉ 23%, đó chỉ là vẻ ngoài hào nhoáng. Không tích cực, không có thủ lĩnh, không có chiến thuật linh hoạt. Tất cả đều quá đáng lo.

Họ không giống một đội tuyển trẻ quốc gia, mà giống như một nhóm cầu thủ đang đi thử việc. Thậm chí, cách ăn mừng bàn thắng trước Brunei cũng khiến người xem ngạc nhiên. Không có cái ôm tập thể, không niềm vui, không một sự đoàn kết nào.

Mỗi người tự làm phần việc của mình. Đội ngũ dự bị thì dửng dưng. Một đội bóng rạn nứt từ bên trong là điều dễ thấy.

 BHL và dàn cầu thủ dự bị của U-23 Malaysia. Ảnh: BERNAMA

BHL và dàn cầu thủ dự bị của U-23 Malaysia. Ảnh: BERNAMA

Hệ thống đào tạo trẻ của Malaysia đang đổ vỡ

Đấy mới là gốc rễ của vấn đề. Một câu đùa đang lan truyền trong giới bóng đá Malaysia: “Sao không nhập tịch luôn những cầu thủ trẻ có gốc Malaysia cho đội U-23 luôn đi?”. Nghe có vẻ hài hước, nhưng lại phản ánh một thực tế đau lòng.

Dòng chảy tài năng từng mang về huy chương vàng SEA Games và chức vô địch AFF Cup giờ đây đã khô cạn. Dự án Harimau Muda không còn tồn tại. Và tệ hơn, Malaysia cũng đã khai tử MFL Cup — giải đấu U-23 duy nhất có tính cạnh tranh thực sự.

Một vài trận giao hữu và vô vàn hy vọng hão huyền. Thậm chí, mùa giải M-League 2025-26 sẽ cho phép mỗi CLB đăng ký tới 15 cầu thủ nước ngoài. Vâng, đến 15 cầu thủ ngoại. Cộng thêm làn sóng cầu thủ nhập tịch và gốc gác nước ngoài đang tràn vào, thì cầu thủ trẻ trong nước gần như không còn chỗ đứng.

Phần lớn U-23 sẽ bị đẩy xuống giải hạng Nhất A1 — nơi gọi là “bán chuyên”, nhưng thực chất là mồ chôn sự nghiệp.

Từ hào quang đến bóng tối

Thế hệ vàng 2009 đã giúp Malaysia vô địch SEA Games và sau đó là AFF Cup 2010. Lứa 2011 tiếp tục củng cố đội hình mạnh mẽ dưới thời HLV Ong Kim Swee. Năm 2018, Malaysia vào tới tứ kết AFC U-23.

Nhưng sau đó thì sao? Thi đấu vòng bảng, rồi về nhà. Năm 2022 và 2024 đều bị loại sớm. Chiếc cầu nối giữa lứa trẻ và đội tuyển giờ đây không còn. Đội trẻ giờ chỉ còn là cái tên cho đủ, không phải là mục tiêu thực sự.

Chiến lược chạy theo kết quả ngắn hạn và các giải pháp “nhập tịch” có thể hữu ích… nhưng có hạn sử dụng. 5 năm nữa, khi những ngôi sao nhập tịch giã từ, ai sẽ kế thừa?

Sự thật cần đối diện

Bóng đá là cả một chu kỳ, và bóng đá trẻ Malaysia đang trả giá khi lao vào ngõ cụt.

Chúng ta không còn sản sinh ra cầu thủ kỹ thuật tốt, thông minh chiến thuật, hay bản lĩnh thi đấu. Không có giải đấu U-23 thực sự. Không có thời lượng thi đấu đỉnh cao. Khoảng cách giữa tiềm năng và thực tế sẽ ngày càng rộng.

HLV Nafuzi có thể bị chỉ trích sau thất bại ở Jakarta. Nhưng ông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hệ thống đào tạo đã làm ông thất vọng và nó cũng làm thế hệ tiếp theo thất vọng.

Nếu muốn nghe tiếng gầm thực sự của Hổ Malaysia, chúng ta cần hơn những giải pháp hơn những dòng hashtag trên mạng xã hội.

Chúng ta cần cải tổ bóng đá trẻ. Cần trận đấu, cần cấu trúc, cần kế hoạch dài hơi — và cần một cuộc thanh tra toàn diện.

Vì hiện tại, “những chú Hổ” trẻ không còn là niềm hy vọng. Họ là lời cảnh báo. Nếu chúng ta không lắng nghe, tiếng gầm sẽ tắt dần — thành tiếng thì thầm đầy tiếc nuối, cây viết Ajitpal Singh của NTS chốt lại.

MINH HOÀNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/truyen-thong-malaysia-bong-da-tre-malaysia-dang-tra-gia-post861506.html