Truyền thông Mỹ cảnh báo sự nguy hiểm của Su-24M Nga vừa 'dằn mặt' chiến hạm Anh trên Biển Đen

Đụng độ giữa lực lượng Nga và khu trục hạm Anh HMS Defender trên vùng nước Biển Đen ngày 23/6 mà Nga tuyên bố chủ quyền đang là đề tài nóng, khi mà quan hệ Nga - Anh và phương Tây đang căng thẳng. Không chỉ Nga, truyền thông Mỹ đánh giá, một cuộc va chạm như vậy tiềm ẩn những rủi ro.

Hôm 23/6, Hải quân Anh đã triển khai một trong sáu tàu khu trục lớp Type 45 HMS Defender, tiến hành các cuộc diễn tập trong vùng biển ngoài khơi Crimea mà Nga tuyên bố chủ quyền. Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố, HMS Defender “thực hiện hoạt động đi qua lãnh hải Ukraine theo luật pháp quốc tế một cách vô hại”, trong khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, tàu này đã vi phạm biên giới hàng hải của nước này gần Mũi Fiolent và gần thủ phủ Sevastopol của Crimea.

Dữ liệu theo dõi hàng hải hỗ trợ tuyên bố của Nga và cho thấy tàu khu trục Anh HMS Defender đang tiếp cận khoảng 10 hải lý ngoài khơi bờ biển Crimea, nghĩa là nó đã ở bên trong vùng lãnh hải 12 hải lí mà Nga tuyên bố chủ quyền. Thủ tướng Anh nhấn mạnh việc nước này không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea (năm 2014), và như vậy tàu Anh có chăng là đang đi trong vùng nước của Ukraine.

Tàu khu trục lớp Type 45 HMS Defender. Ảnh: Bộ QP Anh.

Tàu khu trục lớp Type 45 HMS Defender. Ảnh: Bộ QP Anh.

Trước cáo buộc tàu Anh xâm phạm lãnh hải của mình, Nga đã điều tàu biên phòng cùng tiêm kích Su-24M để ngăn cản tàu Anh và bắn cảnh cáo tàu này.

Trong tình huống đụng độ, tạp chí quân sự Mỹ Militarywatch đã cảnh báo sự nguy hiểm của Su-24 nếu một cuộc đối đầu xảy ra.

Theo Militarywatch, các chiến hạm Type 45 của Hải quân Anh chỉ trang bị 48 ống phóng thẳng đứng trên mỗi tàu so với các tàu AEGIS của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ triển khai 96 tên lửa trở lên mỗi tàu.

Máy bay tiêm kích tấn công Su-24M có thể mang tới 8 tấn vũ khí các loại. Ảnh: Alexander Listopad.

Máy bay tiêm kích tấn công Su-24M có thể mang tới 8 tấn vũ khí các loại. Ảnh: Alexander Listopad.

Type 45 có bộ cảm biến được coi là có tính năng đáng gờm chỉ kém hơn so với các cảm biến trên các tàu lớp Zumwalt của Mỹ, Lớp Maya của Nhật Bản hay Lớp Type 055 của Trung Quốc, cho phép nó theo dõi các cuộc tập trận quân sự của Nga gần Crimea được cho là đang diễn ra vào thời điểm đó, cũng như cung cấp thông tin chi tiết về các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Crimea.

Tuy nhiên Militarywatch cho rằng, khi đối diện với Su-24M, khu trục hạm Type 45 dễ bị tổn thương và có thể là mục tiêu .

Militarywatch đánh giá, Su-24M là máy bay chiến đấu tấn công có năng lực nhất thời Liên Xô; hơn thế đến nay, tiêm kích tấn công này đã được hiện đại hóa toàn diện.

Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm như Kh-31. Ảnh: Panther.

Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm như Kh-31. Ảnh: Panther.

Các máy bay phản lực tấn công đều có thể triển khai các lớp tên lửa hành trình chống hạm siêu âm như Kh-31, tầm bắn 110km (phiên bản Kh-31AD có tầm bắn 160km), cũng như các tên lửa chống bức xạ có thể được sử dụng để chống lại các tàu chiến như Kh-58, tốc độ Mach 3,6, tầm bắn 120km.

Tên lửa Kh-31 di chuyển với tốc độ trên Mach 3 và tác động đến các mục tiêu với động năng đủ mạnh để xé toạc các tàu chiến lớn làm đôi. Với việc Su-24M có khả năng triển khai một số tên lửa có tầm bắn lớn này, trong khi hệ thống phòng không tầm xa của Type 45 có phạm vi tương đối ngắn, chiến hạm này sẽ không hiệu quả để chống lại máy bay phản lực của Nga. Su-24M có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu khu trục của Anh, ngay cả khi tiêm kích này tác chiến đơn độc.

Tên lửa Kh-58. Ảnh: George Chernilevsky.

Tên lửa Kh-58. Ảnh: George Chernilevsky.

Tên lửa Kh-59MK. Ảnh: Navyrecognition.

Tên lửa Kh-59MK. Ảnh: Navyrecognition.

Theo các nguồn mở, Su-24M có thể thực hiện các động tác nhào lộn trên không, cơ động để tránh hỏa lực đối phương, đây là một khả năng vượt trội so với các máy bay cường kích cũ hơn như Ilyushin Il-28, Su-17. Su-24M có 8 điểm treo vũ khí, có thể mang đến 8.000kg bom đạn. Với việc trang bị hệ thống dẫn đường bằng laser/TV, Su-24M có thể trang bị tên lửa chống hạm Kh-59MK, tầm bắn 250km, hay Kh-59MK2 - biến thể nâng cấp, áp dụng công nghệ tàng hình, tầm bắn tới 550km.

Trong khi theo một nguồn mở, khu trục Type 45 HMS Defender của Hải quân Anh được trang bị các tên lửa đối không Aster 15, tầm bắn 1,7–30km và Aster 30, tầm bắn 3–120km. Với tương quan này, Su-24 hoàn toàn có thể tác chiến ngoài tầm với của tên lửa đối không trang bị trên HMS Defender.

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/truyen-thong-my-canh-bao-su-nguy-hiem-cua-su-24m-nga-vua-dan-mat-chien-ham-anh-tren-bien-den-107915.html