Truyền thông tốt giúp nhận biết sớm chứng tự kỉ để can thiệp sớm

Đánh giá cao vai trò của truyền thông trong công tác xã hội, đặc biệt đối vởi trẻ tự kỉ, Thứ trưởng Bộ Lao động & Thương binh Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh nếu truyền thông tốt sẽ giúp họ nhận biết sớm chứng tự kỉ ở trẻ để từ đó can thiệp sớm, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng sớm.

Tại cuộc hội thảo mới diễn ra hôm 18/10 tại Quảng Ninh do Tạp chí Gia đình & Trẻ em phối hợp với Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ_TB&XH) tổ chức, vai trò của truyền thông trong công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ đã được đề cập dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà giáo, người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (áo vàng) đánh giá cao vai trò truyền thông trong công tác xã hội đối với trẻ tự kỉ. Ảnh: Đ.H

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (áo vàng) đánh giá cao vai trò truyền thông trong công tác xã hội đối với trẻ tự kỉ. Ảnh: Đ.H

Trẻ sống ở KCN có nguy cơ mắc chứng tự kỉ cao

Tự kỷ đang được coi là một "căn bệnh" của thời đại. Theo ước tính, Việt Nam có tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỉ là 1% dân số. Tự kỉ hoạt động bó hẹp, định hình. Hội chứng rối loạn này được gọi là phổ tự kỉ hoặc "hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa.

Những năm gần đây, phương pháp can thiệp, điều trị cho trẻ trong từng gia đình, từng trung tâm rất khác nhau. Nơi sử dụng biện pháp giáo dục tâm lý, nơi sử dụng biện pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động… mà chưa có đánh giá về mức độ đáp ứng sự tiến bộ của trẻ..

Quang cảnh hội thảo ngày 18/10

Quang cảnh hội thảo ngày 18/10

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, việc chăm sóc cho trẻ tự kỉ còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Cho đến giờ, chúng ta chưa có văn bản nào công nhận trẻ tự kỉ được coi là một dạng trẻ khuyết tật. Số tuổi của trẻ tự kỉ được phát hiện, chẩn đoán ngày càng nhỏ. Ngược lại, số lượng trẻ tự kỉ trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Chưa tổ chức thăm khám cho trẻ ở miền núi, vùng sâu vùng xa mà mới tập trung ở các thành phố lớn, thị trấn, thị tứ. Số lượng các trung tâm, cơ sở vật chất có hạn, cán bộ giáo viên chuyên biệt còn thiếu.

Kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước chỉ ra rằng, để chăm sóc và phục hồi chức năng hiệu quả cho trẻ, bên cạnh điều trị y tế, các dịch vụ công tác xã hội có vai trò rất quan trọng như tư vấn, tâm lý trị liệu, tham vấn, tổ chức trò chơi hướng ngoại, các trợ giúp nhận biết khác trong cộng đồng…

Cần sự tham gia tích cực của truyền thông

Đóng góp tham luận vào hội thảo, Nhà báo, TS. Hồ Bất Khuất cho rằng: "Truyền thông đã đóng vai trò then chốt gần như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Hơn nữa, truyền thông luôn soi sáng, làm rõ những vấn đề còn mới mẻ, còn khó hiểu. Hội chứng tự kỉ và tự kỉ ở trẻ em là một vấn đề như vậy. Truyền thông đã làm cho vấn đề này và công tác xã hội trở nên gắn bó với nhau".

Nhà báo, TS. Hồ Bất Khuất trao đổi tại hội thảo

Nhà báo, TS. Hồ Bất Khuất trao đổi tại hội thảo

Khẳng định vai trò của truyền thông về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Lao động - TB và XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xã hội đối với trẻ tự kỉ. Nếu truyền thông tốt tới từng gia đình, sẽ giúp họ nhận biết sớm chứng tự kỉ ở trẻ để từ đó can thiệp sớm. Việc can thiệp sớm sẽ giúp trẻ tự kỉ sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng, từ đó, giảm được số lượng người tự kỉ trưởng thành".

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà kêu gọi sự tham gia tích cực từ truyền thông trong công tác xã hội đối với chứng tự kỉ ở trẻ tại Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà kêu gọi sự tham gia tích cực từ truyền thông trong công tác xã hội đối với chứng tự kỉ ở trẻ tại Việt Nam

Qua hơn một năm nghiên cứu, đánh giá, các chuyên gia của Ủy ban các vấn đề xã hội, các thầy cô giáo ĐH Sư phạm Hà Nội, Cục Bảo trợ Trẻ em đã công bố bộ tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ tại Việt Nam. Trên cơ sở này, Thứ trưởng kêu gọi : "Các cơ quan truyền thông hãy truyền tải sâu rộng những thông tin về cách nhận biết sớm để phát hiện, chăm sóc, can thiệp, điều trị có hiệu quả cho trẻ tự kỉ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông trẻ tự kỉ nhất."

Tại hội thảo, các chuyên gia còn trao đổi các ý kiến về thực trạng, những kiến nghị, giải pháp với cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông để cùng có những biện pháp phối hợp đồng bộ, hiệu quả. Hội thảo lần này còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ trong gia đình, nhà trường cách phát hiện, nhận biết, can thiệp sớm và giáo dục đúng cách đối với trẻ tự kỉ.

Đinh Huyền

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/truyen-thong-tot-giup-nhan-biet-som-chung-tu-ki-de-can-thiep-som-20191019132833619.htm