'Từ 1/7/2025 sẽ tăng gấp đôi lương cơ sở', có đúng hay không?

Theo xác minh từ các cơ quan báo chí chính thống và văn bản pháp luật hiện hành, đây hoàn toàn là một tin đồn không có cơ sở pháp lý.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền rầm rộ thông tin cho rằng từ ngày 1/7/2025, mức lương cơ sở dành cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng gấp đôi. Tuy nhiên, theo xác minh từ các cơ quan báo chí chính thống và văn bản pháp luật hiện hành, đây hoàn toàn là một tin đồn không có cơ sở pháp lý.

Tính đến thời điểm hiện tại, mức lương cơ sở đang áp dụng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ là 2.340.000 đồng/tháng. Mức này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế cho mức cũ là 1.800.000 đồng/tháng, tức đã tăng khoảng 30% so với trước đó. Thông tin này được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin Chính phủ và các trang báo uy tín như Báo Chính phủ, Lao Động, VTV.

Trả lời thắc mắc của người dân về khả năng điều chỉnh lương trong năm 2025, báo VTV trong bài viết đăng ngày 12/4/2025 khẳng định: "Hiện nay, chưa có bất kỳ quy định chính thức nào về việc tăng gấp đôi lương cơ sở từ ngày 1/7/2025". Cùng quan điểm, Thư viện Pháp luật cũng nêu rõ: "Chưa có quy định chính thức nào được ban hành về mức tăng gấp đôi lương cơ sở kể từ thời điểm 1/7/2025".

Liên quan đến lộ trình cải cách tiền lương, trong phiên họp đầu năm 2025, Bộ Nội vụ cho biết việc điều chỉnh lương cơ sở sẽ phụ thuộc vào năng lực tài chính quốc gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế và các yếu tố vĩ mô khác. Báo Lao Động dẫn lời đại diện Bộ Nội vụ cho biết: "Tính đến hiện tại, chưa có cơ sở để xác định cụ thể thời điểm hay mức tăng mới cho lương cơ sở trong năm 2025".

Như vậy, có thể khẳng định rằng thông tin "tăng gấp đôi lương cơ sở từ ngày 1/7/2025" là sai sự thật, chưa có bất kỳ văn bản pháp lý hay công bố chính thức nào xác nhận điều này. Người dân nên cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin lan truyền trên mạng, và chỉ nên theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống.

Một thông tin cũng liên quan đến tiền lương đang được dư luận quan tâm, đó là Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo dự thảo Nghị định, đối tượng áp dụng gồm:

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

2. Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:

a) Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

b) Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Đề xuất MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG từ 1/1/2026- Ảnh 1.
Bộ Nội vụ cho biết mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 250.000 đồng - 350.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 7,2%) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2026 để cải thiện cho người lao động.

Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 25.500 đồng/giờ, vùng II là 22.700 đồng/giờ, vùng III là 20.000 đồng/giờ, vùng IV là 17.800 đồng/giờ.

Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đây là phương pháp được các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ từ năm 2022 đến nay.

Phương Anh (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/tu-172025-se-tang-gap-doi-luong-co-so-co-dung-hay-khong-20347.html