Từ nay, công chức nếu có hành vi này sẽ bị đình chỉ công tác sau 4 ngày

Công chức gây bức xúc dư luận sẽ bị tạm đình chỉ công tác ngay, không cần chờ kết luận điều tra theo quy định mới vừa được ban hành.

Quy định mới siết chặt kỷ luật công vụ, không để 'con sâu làm rầu nồi canh'

Ngày 9/7/2025, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định 727/QĐ‑BNV công bố các thủ tục hành chính nội bộ mới, trong đó quy định tạm đình chỉ công tác đối với công chức trong 7 trường hợp, bao gồm công chức có hành vi vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.

Quy trình tạm đình chỉ phải được hoàn tất trong tối đa 4 ngày làm việc, kể từ khi có căn cứ xác định, với thời hạn trình và ra quyết định tối đa 2 ngày làm việc sau đề xuất.

Cán bộ có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn gây bức xúc có thể bị đình chỉ để làm rõ.

Cán bộ có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn gây bức xúc có thể bị đình chỉ để làm rõ.

Hành vi "gây bức xúc trong dư luận" được hiểu thế nào?

Không chỉ sai phạm pháp luật mà cả ứng xử, thái độ thiếu chuẩn mực

Bộ Nội vụ cũng quy định rõ 7 trường hợp công chức có thể bị tạm đình chỉ công tác:

Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.

Có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.

Công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Công chức đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý hoặc nếu để tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật.

Công chức đã bị xử lý kỷ luật đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền.

Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Mục tiêu: Lấy lại niềm tin của người dân đối với bộ máy hành chính

Việc tạm đình chỉ công tác với công chức gây bức xúc dư luận không phải là hình thức xử phạt cuối cùng, mà là bước kiểm soát kỷ luật kịp thời nhằm:

- Ngăn chặn hậu quả phát sinh nếu tiếp tục để cán bộ đó làm việc

- Tạo điều kiện để cơ quan chức năng xác minh, làm rõ sai phạm

- Thể hiện trách nhiệm công vụ trước nhân dân

- Bảo vệ uy tín của cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống công vụ

Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt trong việc làm sạch bộ máy, phòng ngừa tiêu cực, nâng cao đạo đức công vụ, điều mà xã hội và người dân kỳ vọng từ lâu.

Người dân được khuyến khích giám sát và phản ánh

Bên cạnh việc nâng cao ý thức và chuẩn mực công vụ, cơ quan chức năng cũng khuyến khích người dân phản ánh, cung cấp thông tin, video, hình ảnh, nếu phát hiện cán bộ có hành vi không đúng mực khi thi hành công vụ. Thông tin có thể gửi qua các kênh như:

- Đường dây nóng của cơ quan quản lý

- Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh trực tuyến

- Gửi kiến nghị qua chính quyền địa phương

Việc tạm đình chỉ ngay những công chức có dấu hiệu sai phạm, ứng xử lệch chuẩn đang là bước đi cần thiết trong việc nâng cao chất lượng bộ máy hành chính. Người dân kỳ vọng rằng, công chức không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn phải chuẩn mực trong hành vi, đạo đức và thái độ phục vụ.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-nay-cong-chuc-neu-co-hanh-vi-nay-se-bi-dinh-chi-cong-tac-sau-4-ngay-172250725145224187.htm