Từ thiên đường chè xanh JeJu

Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc ông Jung Kyu Sung trở lên thân thiện hơn khi nghe giới thiệu tôi là người tỉnh Thái Nguyên, nơi có nhà máy sản xuất điện thoại Samsung nổi tiếng. Ông tiết lộ: 'Em trai tôi, kỹ sư Hy Ung làm việc ở đó và mỗi khi về Hàn Quốc đều không quên mua cho tôi trà xanh Tân Cương, ngon tuyệt... Tôi mong dịp nào đó được thưởng trà tại chính địa danh Tân Cương của Thái Nguyên - Việt Nam'.

Một khu vực trồng chè xanh trên đảo JeJu.

Một khu vực trồng chè xanh trên đảo JeJu.

Sau một hồi, ông cho biết đã trao đổi lại với Chánh Văn phòng của ông là đổi 1 địa điểm để đoàn Hội Nhà báo Việt Nam ra thăm đảo JeJu, thăm vùng chè lớn thứ ba thế giới. Chúng tôi cảm ơn thịnh tình đó và trân trọng mời ông thăm Việt Nam vào giữa năm 2020. Và đoàn chúng tôi được bay ra đảo JeJu - Hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc, nhưng chỉ cách Thủ đô Seoul 500 cây số về phía Nam đất nước...

Đảo JeJu rộng 250 cây số vuông là đơn vị hành chính cấp tỉnh, được hưởng cơ chế tự trị. Tại sân bay JeJu, chúng tôi được Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh này, ông Jae Buyon Kang đón tiếp nồng hậu và theo đề nghị từ Seoul, ông trực tiếp đưa đoàn thăm điểm đầu là Thiên đường chè xanh. Ông nói trên đường đi: JeJu có 3 "đặc sản", đó là đá (nhiều vô kể, sản phẩm của động đất và núi lửa), sau là gió, thứ ba là phụ nữ tham gia lao động nghề biển. Trước năm 1979, đảo JeJu chưa có ai trồng chè. Bây giờ là đặc sản thứ tư, có thương hiệu và tiếng vang xa lắm rồi...

Xe cứ chạy băng băng trên đường cao tốc 1 chiều, từ sân bay khoảng 1 tiếng đồng hồ là tới trang trại chè xanh... Gọi là trang trại cho dễ chứ thực tế đây là một vùng đồi, bãi chè có cả nghìn héc - ta nằm hai bên đại lộ... Chè trồng và thu hái theo cơ giới nên chuẩn mực và tính chính xác cực cao. Những luống chè vuông vức được máy "gặt búp” vừa chạy qua để lại thảm chè phẳng lì, xanh thẫm, sắc cạnh, tít tắp. Những luống chè chưa gặt có mầu vàng mận, tua tủa búp. Cả một vùng chè như một bức tranh thảo nguyên mênh mang, rãnh chè như có ai đó đặt thước kẻ những đường thẳng băng trong ánh nắng vàng rực rỡ. Bãi chè nơi đây ít trồng cây xanh, những khoản trống và ven các đường đi lại của xe cơ giới là các cột điện gió, điện mặt trời. Chuyên gia và hướng dẫn viên giải thích rằng: Chè ở đây không phun thuốc sâu, thuốc thúc mầm nên không trồng cây xanh (nơi ẩn náu của sâu bệnh). Vả lại canh tác cơ giới nên nhu cầu che nắng cho người lao động thu hái không cần... Trang trại có một diện tích chừng vài hec - ta để khách du lịch trải nghiệm hái chè, chế biến thủ công, đóng gói theo cách truyền thống để chụp ảnh, quay phim...

Đương nhiên, khu vực chế biến chè nằm liền kề và bảo đảm vệ sinh công nghiệp tuyệt đối. Có điều trà xanh pha ấm chỉ là một trong hàng trăm sản phẩm ăn, uống, mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc chữa bệnh có nguyên liệu đầu vào từ chè xanh mà đây sản xuất. Mỗi năm, nơi này đón trên 12 triệu khách thăm, tuy không bán vé nhưng lãi từ bán sản phẩm, dịch vụ tại chỗ đã cho một doanh số khổng lồ.

Du khách thưởng trà và mua sản phẩm chè ở thiên đường chè xanh JeJu.

Du khách thưởng trà và mua sản phẩm chè ở thiên đường chè xanh JeJu.

Sang khu vực Bảo tàng chè xanh Osulloc, sau thưởng thức các ly trà được các trà nương đẹp như diễn viên điện ảnh mời, ăn những chiếc bánh làm từ chè xanh, anh cán bộ Văn phòng Hội Nhà báo JeJu kiêm hướng dẫn viên cho đoàn Peter Park giới thiệu: Trước năm 1979, JeJu chưa trồng chè. Người sáng lập Tập đoàn Mỹ phẩm Amore Pacific nhập một ít hạt giống chè từ Thái Nguyên, Lâm Đồng của Việt Nam và của nước Sirilanca về trồng tại đảo với mục đích lấy nguyên liệu triết suất một số hoạt chất trong mỹ phẩm. Thế rồi, mọi việc nằm ngoại dự kiến, khi đã ở vị trí chè xanh lớn thứ 3 thế giới rồi thì Tập đoàn không ngần ngại cho thành lập Bảo tàng chè Osulloc tầm cỡ thế giới, mở mang từ văn hóa thưởng trà đến bán buôn, bán lẻ sản phẩm... Khách có thời giờ nghỉ dưỡng tại đây, rèn tính kiên nhẫn qua đăng ký trước việc thực hành trà đạo; được tự tay pha trà đạo bằng ấm chén gốm Hagi nổi tiếng.

Cây chè xanh có mặt tại Thái Nguyên chừng 300 năm rồi. Nhưng trồng trên diện tích lớn, chuyên canh, theo hướng công nghiệp hàng hóa thì bắt đầu từ những năm 1960, khi Nhà nước có chủ trương giãn dân từ các tỉnh đồng bằng. Vùng chè Tân Linh, Phục Linh, Bắc Hà, La Bằng của Đại Từ; Sơn Phú, Song Linh của Định Hóa hay các nông trường chuyên canh chè Quân Chu, Bắc Sơn, Sông Cầu; Các vùng có đặc sản chè nổi tiếng: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài... đã cho ta một nhận thức về thế mạnh cây chè. Trên thực tế thì cây chè không chỉ nuôi sống một bộ phận đông đảo nông dân mà còn có vị trị rất quan trọng trong GDP của tỉnh những năm qua.

Tuy vậy, nếu nghiêm túc mà nhìn nhận thì cây chè của Thái Nguyên chưa đứng đúng vị trí có được của nó. Dường như người nông dân, từng hộ nông dân đang phải tự vận động để mưu sinh từ cây chè? Cây chè đang được đối xử chưa đúng vị trí là thế mạnh qua việc đầu tư dàn trải, manh mún; an toàn canh tác và vệ sinh thực phẩm còn là câu chuyện phải bàn nhiều. Các doanh nghiệp đầu tư vào cây chè, ngành chè chưa nhiều; các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm quy hoạch, đầu tư tạo điều kiện cho cây chè phát triển trong giai đoạn mới... Nhận xét này có thể xuất phát từ tư duy kỳ vọng duy ý chí, hướng ngoại, nhưng dù sao đích đến vẫn là mong Thái Nguyên bứt phá từ thế mạnh cây chè…

Trở về Thủ đô Seoul, trong cuộc nói chuyện với ông Tong-Soan Woo, nhà báo lão luyện, tổng Biên tập tờ báo Asia Today về chè xanh JeJu và mơ ước của chúng tôi về mô hình ngành Chè Việt Nam, ông ấy bảo: Ta làm truyền thông biết gì thì nói cái đó. Cuộc sống sẽ sàng lọc để chọn lựa. Các nhà hoạch định chính sách sẽ xử lý đòi hỏi chính đáng của cuộc sống còn doanh nhân thì luôn tìm tòi để có lợi cao nhất.

Tôi thì hy vọng trong 5 năm kiến tạo và bứt phá tới, ngành Chè cả nước, của Thái Nguyên sẽ thay đổi mạnh mẽ để tự làm mới. Sẽ có những vùng chè tập trung hàng trăm hec - ta giống mới; những nhà máy chế biến sâu và chè Thái đã đượm hương, hữu xạ lại được nhân lên nữa.

Hữu Minh

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/tu-thien-duong-che-xanh-jeju-271023-85.html