Tư vấn - Đối thoại

Phạt đến 40 triệu đồng với hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm y tế Hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện hành? Những vi phạm trong thời gian trước đây nay mới bị phát hiện thì có bị 'hồi tố' không? Trần Văn Lan (Phú Thọ)

Phạt đến 40 triệu đồng với hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm y tế

Hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện hành? Những vi phạm trong thời gian trước đây nay mới bị phát hiện thì có bị “hồi tố” không?

Trần Văn Lan (Phú Thọ)

Trả lời:

Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rõ mức xử phạt, hình thức xử phạt đối với vi phạm quy định về đóng BHYT, cụ thể như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng BHYT của đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

2. Phạt tiền đối với hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động, đóng BHYT không đủ số người bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động, chậm đóng BHYT, trốn đóng BHYT theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động;

b) Từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động;

c) Từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động;

d) Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 người lao động;

đ) Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 người lao động;

e) Từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.

3. Phạt tiền đối với hành vi đóng BHYT không đủ số tiền phải đóng theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị dưới 5 triệu đồng;

b) Từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng;

c) Từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng;

d) Từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng;

đ) Từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 40 triệu đồng đến dưới 60 triệu đồng;

e) Từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 60 triệu đồng đến dưới 80 triệu đồng;

g) Từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 80 triệu đồng đến dưới 120 triệu đồng;

h) Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 120 triệu đồng đến dưới 160 triệu đồng;

i) Từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 160 triệu đồng trở lên.

4) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt tiền BHYT.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có) đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 116 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng quy định: Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực (ngày 15-11-2020), sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định của Nghị định này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bhxh-va-cuoc-song/tu-van-doi-thoai-637698/