Từ vụ cô giáo Dung: Hiểu sao cho đúng về tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải?

Tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 vẫn chưa được giải thích cụ thể bằng văn bản pháp luật; Do chưa được hướng dẫn chính thức nên việc áp dụng tình tiết này vẫn còn quan điểm khác nhau.

TAND tỉnh Nghệ An vừa tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

HĐXX phúc thẩm đã cho bị cáo Dung hưởng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 vì đã "tích cực khai đầy đủ về việc xây dựng quy chế, kê khai quy đổi để được thanh toán, số tiền đã nhận, đúng với có các tài liệu có tại hồ sơ vụ án, thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình" dù cô này vẫn kêu oan.

Trước đó, tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo Dung không thành khẩn khai báo, không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐẮC LAM

Phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: ĐẮC LAM

Hiện nay, tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 vẫn chưa được giải thích cụ thể bằng văn bản pháp luật mà mới chỉ được giải thích thông qua các văn bản giải đáp nghiệp vụ.

Do chưa được hướng dẫn chính thức nên việc áp dụng tình tiết này vẫn còn quan điểm khác nhau.

Chẳng hạn, trường hợp bị cáo đã khai hết toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội nhưng họ cho rằng hành vi của mình không phải là tội phạm nên thẩm phán căn cứ vào việc bị cáo không cho rằng mình phạm tội để không áp dụng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo”.

Tuy nhiên quan điểm khác lại cho rằng bị cáo đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi mà mình thực hiện nhưng do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình trái với quy định của pháp luật nên vẫn đủ điều kiện để được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo”.

Dựa vào nội dung hướng dẫn trong các văn bản giải đáp nghiệp vụ, có thể nhận định bản chất của tình tiết thành khẩn khai báo được thể hiện ở việc bị cáo đã khai nhận rõ ràng, đầy đủ và đúng sự thật về các hành vi mà họ đã thực hiện, còn việc xác định hành vi đó có cấu thành tội phạm hay không thì tùy thuộc vào phán quyết của tòa án.

Cho dù bị cáo tự xác định không phạm tội nhưng bị cáo đã khai báo thành khẩn về các hành vi mà mình đã thực hiện thì vẫn có thể áp dụng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo” để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Thế nào là khẩn khai báo, ăn năn hối cải?

- Thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

- Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

- Mức độ giảm nhẹ của việc thành khẩn khai báo phụ thuộc vào sự thành khẩn được thực hiện ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của sự thành khẩn trong việc giải quyết vụ án; mức độ giảm nhẹ của sự ăn năn hối cải phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những hành động, việc làm cụ thể chứng minh cho sự ăn năn hối cải đó.

(Trích Sổ tay thẩm phán của TAND Tối cao năm 2009)

ThS TRẦN THANH THẢO, ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-co-giao-dung-hieu-sao-cho-dung-ve-tinh-tiet-thanh-khan-khai-bao-an-nan-hoi-cai-post737899.html