Từ vụ nữ tài xế lái Toyota đâm loạt xe máy: Giải mã hiện tượng đạp nhầm chân ga
Vụ nữ tài xế lái xe Toyota tông loạt xe máy ở Hà Nội là lời cảnh tỉnh cho kỹ năng lái xe số tự động. Nhiều lái xe gặp cảm giác xe đang 'bị trôi' hoặc 'bò tới' dù đã dừng lại, dẫn đến hoảng loạn và có thể đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh.
Sáng nay, 9/7, một nữ tài xế điều khiển chiếc xe Toyota khi tới gần ngã tư Trần Đại Nghĩa - Đại La, Hà Nội đã bất ngờ rồ ga, lao vào khoảng 10 xe máy khiến một người chết, 6 người nhập viện. Nguyên nhân tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra.

Hiện trường vụ tai nạn xe Toyota do một nữ tài xế cầm lái đâm loạt xe máy và tông bật gốc cây ở Hà Nội sáng 9/7/2025. Ảnh: Đình Hiếu
Từ vụ việc này, có thể thấy, việc kiểm soát chân ga là yếu tố quan trọng hàng đầu trong kỹ năng lái xe. Ngay cả trong trường hợp không có phát sinh tình huống giao thông bất ngờ, tài xế vẫn có những nhầm lẫn "căn bản". Dưới góc nhìn khoa học, lỗi đạp nhầm chân ga và không làm chủ được tay lái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, là tổng hợp của các yếu tố như đặc tính vận hành xe, ảo ảnh thị giác và phản ứng tâm lý của người lái.
Hiện tượng "xe bị trôi", đạp nhầm chân ga
Cảm giác xe đang di chuyển khi thực tế đã dừng lại hoặc việc đạp nhầm bàn đạp có thể xuất phát từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên là đặc tính vận hành của xe. Trên hầu hết các xe số tự động, khi hộp số ở số tiến (D) hoặc số lùi (R) và người lái nhả bàn đạp phanh, xe sẽ tự động di chuyển chậm về phía trước hoặc phía sau, ngay cả khi không đạp chân ga.
Hiện tượng này xảy ra do bộ biến mô trong hộp số tự động vẫn truyền một lực nhỏ từ động cơ đến bánh xe khi động cơ chạy không tải. Cảm giác có thể rõ hơn trên những địa hình không bằng phẳng hoặc khi người lái không đạp phanh đủ mạnh.

Đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh là lỗi lái xe phổ biến. Ảnh: Amicus
Bên cạnh đó, ngay cả một độ dốc rất nhỏ cũng có thể khiến xe tự lăn bánh nếu phanh không được giữ chắc chắn hoặc nếu xe đang ở số N (mo) đối với xe số sàn. Người lái có thể cảm thấy xe đang "trôi" khi thực tế chỉ là trọng lực tác động lên xe trên một mặt phẳng nghiêng.
Thứ hai, ảo ảnh thị giác. Khi dừng xe cạnh các phương tiện khác đang di chuyển (đặc biệt là các xe lớn như xe buýt hoặc xe tải), chuyển động của chúng có thể tạo ra ảo giác rằng chính xe của mình đang di chuyển. Não bộ có thể bị đánh lừa bởi các tín hiệu thị giác này, gây ra cảm giác bất ngờ và hoảng loạn, dẫn đến phản ứng không chính xác.
Yếu tố nhận thức và tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng. Khi người lái bị phân tâm bởi điện thoại, cuộc trò chuyện hoặc các yếu tố bên ngoài, họ không còn tập trung hoàn toàn vào việc lái xe, làm giảm khả năng xử lý thông tin và phản ứng chính xác trong tình huống bất ngờ.
Do đó, khi gặp bất ngờ hoặc áp lực cao, bộ não có thể xử lý thông tin sai lệch hoặc đưa ra phản ứng bản năng không chính xác. Người lái có thể cố gắng đạp phanh nhưng lại vô tình đạp mạnh chân ga do phản xạ hoặc nhầm lẫn vị trí bàn đạp dưới áp lực.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong tình huống căng thẳng, người lái có thể chỉ xử lý vô thức mà không kịp nhận ra bàn đạp nào đã được đạp, trường hợp này hay xảy ra đối với những người mới lái hoặc ít kinh nghiệm lái xe.
Một yếu tố khác là vị trí đặt chân không chuẩn. Nếu chân người lái thường xuyên đặt quá gần bàn đạp ga khi không sử dụng, hoặc khi chuyển từ ga sang phanh, chân có thể bị trượt và vô tình đạp vào bàn đạp ga. Mang giày dép cồng kềnh, trơn trượt (như giày cao gót, bốt nặng, dép xỏ ngón) có thể cản trở khả năng đạp bàn đạp chính xác và tạo áp lực nhất quán, tăng nguy cơ đạp nhầm.
Cuối cùng là yếu tố sinh lý và độ tuổi. Nếu lái xe trong tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ hoặc ảnh hưởng từ thuốc/chất kích thích hoàn toàn có thể làm suy giảm kỹ năng vận động và nhận thức, kéo dài thời gian phản ứng và tăng khả năng đạp nhầm. Người lái rất trẻ (do thiếu kinh nghiệm và não bộ chưa phát triển hoàn thiện) và người lái lớn tuổi (do suy giảm nhận thức, khả năng vận động) đều có nguy cơ mắc lỗi đạp nhầm bàn đạp cao hơn.
Phòng tránh đạp nhầm chân phanh sang chân ga
Lỗi đạp nhầm chân ga có thể dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng, thường xảy ra khi xe tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn. Các vụ tai nạn này có thể bao gồm việc xe đâm vào các cửa hàng, lao vào đám đông trong bãi đỗ xe, hoặc gây ra va chạm tốc độ cao từ trạng thái dừng.

Nhiều vụ tai nạn xảy ra do đạp nhầm chân ga, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Ảnh: barsec
Cartoq dẫn ước tính gần đây của Đại học Bắc Carolina và Trung tâm Nghiên cứu An toàn Đường cao tốc Mỹ cho thấy khoảng 16.000 vụ tai nạn xe hơi xảy ra hàng năm do lỗi bàn đạp, tương đương trung bình 44 vụ mỗi ngày.
Các tác giả nghiên cứu cho biết dữ liệu chỉ giới hạn trong các sự cố được báo lên cảnh sát và các tài xế thừa nhận sai lầm. Điều này có nghĩa rất nhiều tai nạn do lỗi này gây ra mà không được báo cáo do thiệt hại không đáng kể hoặc không có.
Lỗi đạp nhầm bàn đạp là một vấn đề thực tế và phổ biến, không chỉ giới hạn ở một hãng xe hay một công nghệ cụ thể. Để phòng tránh hiện tượng này và đảm bảo an toàn, người lái cần áp dụng các biện pháp sau:
Luôn đặt chân đúng vị trí: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Khi không đạp ga, người lái nên luôn đặt gót chân trên sàn xe và xoay mũi bàn chân sao cho mũi chân nằm trên bàn đạp phanh, giảm nguy cơ nhầm lẫn.
Duy trì sự tập trung cao độ: Tránh mọi yếu tố gây phân tâm khi lái xe, đặc biệt là khi dừng đỗ hoặc di chuyển chậm trong khu vực đông người. Tập trung hoàn toàn vào môi trường xung quanh và các tín hiệu giao thông.
Chọn giày dép phù hợp: Tránh đi giày dép cồng kềnh, trơn trượt hoặc có gót cao khi lái xe, vì chúng có thể cản trở khả năng cảm nhận và điều khiển bàn đạp chính xác.
Luyện tập phản xạ: Thường xuyên thực hành chuyển đổi chân giữa bàn đạp ga và phanh trong môi trường an toàn để tạo phản xạ tự động và chính xác. “Rời chân ga – rà chân phanh” là thần chú của nhiều người để sẵn sàng phanh trong mọi tình huống.
Sử dụng các tính năng hỗ trợ: Nhiều xe hiện đại có tính năng hỗ trợ giữ phanh tự động (Auto Hold) hoặc phanh tay điện tử. Hãy sử dụng chúng khi dừng đèn đỏ hoặc dừng xe tạm thời để giảm áp lực lên chân và ngăn xe di chuyển ngoài ý muốn.
Về số N hoặc P khi dừng đỗ xe: Nhiều tài xế giữ nguyên hộp số ở D và đạp chân phanh khi dừng/đỗ xe. Khi gặp tình huống bất ngờ, họ luống cuống và đạp vào chân ga dẫn đến việc chiếc xe “rồ lên” và lao vào phía trước. Chính vì thế, nên chú ý về số N hoặc P.
(Tổng hợp)