Từ vụ Trịnh Văn Quyết: Khi nào chuyển từ phạt tù sang phạt tiền?
Bộ luật Hình sự cho phép áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền đối với rất nhiều tội danh thuộc nhiều nhóm tội phạm khác nhau, trong đó có tội thao túng thị trường chứng khoán...
Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC và các bị cáo khác trong vụ án lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán.
HĐXX quyết định giảm nhẹ hình phạt và tuyên bị cáo Trịnh Văn Quyết 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo về tội thao túng thị trường chứng khoán, phạt 4 tỉ đồng.
Tại bản án sơ thẩm, bị cáo Quyết bị tuyên phạt 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.
HĐXX cũng giảm án cho các bị cáo có kháng cáo còn lại; chuyển sang hình phạt tiền đối với 11 bị cáo về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Từ vụ án này, bạn đọc đặt câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc chuyển từ hình phạt tù sang phạt tiền đối với các tội danh?
Trao đổi với PV, luật sư Đào Văn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Phát triển doanh nghiệp, cho biết: Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
- Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định;
- Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định.
Các khoản 2, 3 và 4 Điều 35 BLHS cũng quy định hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do BLHS quy định.
Phân tích về trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, luật sư Đào Văn Hưng cho biết đối với tội thao túng thị trường chứng khoán: Khoản 2 Điều 211 BLHS quy định phạt tiền từ 2-4 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Ông Trịnh Văn Quyết được HĐXX phúc thẩm chuyển từ hình phạt 3 năm tù sang phạt tiền 4 tỉ đồng.
Việc áp dụng hình phạt tiền đối với ông Quyết cũng phù hợp tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có quy định: Đối với các vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời, toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

Pháp luật quy định một số tội danh được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Ảnh minh họa: AI
Luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích thêm: Quy định áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền đối với rất nhiều tội danh thuộc nhiều nhóm tội phạm khác nhau, trong đó có Tội thao túng thị trường chứng khoán, được quy định tại Điều 211 BLHS.
Qua vụ án hình sự nêu trên và từ thực tiễn áp dụng BLHS hiện nay, nhận thấy hình phạt chính là phạt tiền sẽ được Tòa án áp dụng khi:
Thứ nhất, bị cáo được xét xử về tội danh mà BLHS có quy định hình phạt chính là phạt tiền (căn cứ khoản 1 Điều 35 BLHS).
Thứ hai, tùy từng tội danh và từng vụ án cụ thể, Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định việc áp dụng hình phạt chính nào đối với bị cáo căn cứ vào quy định của pháp luật và hồ sơ của vụ án.
Khi áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, mức tiền phạt sẽ được Tòa án quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng (căn cứ khoản 3 Điều 35 BLHS).
Theo đó, Tòa án có thể áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật, đồng thời áp dụng nguyên tắc và tinh thần Nghị quyết 68 (như luật sư Đào Văn Hưng đã phân tích ở trên) để xử lý các vụ án hình sự sao cho phù hợp với tính chất, mức độ hành vi và hậu quả gây ra của từng tội phạm cụ thể.