Từng bước chuẩn hóa công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới

Hiện nay, nhu cầu xuất cảnh, nhập cảnh đối với người, phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa, vật phẩm qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền giữa nước ta và các nước có chung đường biên giới có xu hướng ngày một gia tăng.

Trong khi công tác quản lý, kiểm soát, giám sát các hoạt động trên đang được các lực lượng chức năng thực hiện tốt tại hệ thống các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (song phương) thì tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, công tác này còn gặp không ít khó khăn.

Tại Hội nghị trực tuyến quán triệt và tập huấn về công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức mới đây, Đại tá Nguyễn Phi Khanh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai, cho biết, ở các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (song phương), công tác quản lý, kiểm soát, giám sát các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu được thực thi rất tốt; còn tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới như: Hóa Chư Phùng, Lồ Cô Chin (huyện Si Ma Cai), Bản Vược, Y Tý (huyện Bát Xát), do chưa có sự thống nhất giữa nước ta và Trung Quốc nên chưa được quy định tại các hiệp định về biên giới, cửa khẩu.

Hơn nữa, các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chủ yếu được hình thành từ các lối đi truyền thống, đường qua lại, cặp chợ biên giới và một số điểm thông quan, xuất khẩu hàng hóa trên biên giới nên công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Không chỉ riêng tỉnh Lào Cai, nước ta có đường biên giới đất liền dài hơn 5.000km, đi qua 25 tỉnh biên giới, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Ngoài 25 cửa khẩu quốc tế; 24 cửa khẩu chính (song phương) có tới 68 cửa khẩu phụ và 88 lối mở biên giới. Vấn đề quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới giữa nước ta và các nước có chung biên giới đều chưa có sự thống nhất và có những quy định rõ ràng bằng văn bản.

Đồn Biên phòng Bản Lầu làm nhiệm vụ chốt chặn chống dịch Covid-19 tại các lối mở trên tuyến biên giới (ảnh chụp tháng 2-2020). Ảnh: Viết Lam

Đồn Biên phòng Bản Lầu làm nhiệm vụ chốt chặn chống dịch Covid-19 tại các lối mở trên tuyến biên giới (ảnh chụp tháng 2-2020). Ảnh: Viết Lam

Cụ thể, trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc: Hiệp định về biên giới, cửa khẩu đã ký kết không quy định loại hình cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (chỉ quy định đường qua lại tạm thời). Trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào: Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới trên đất liền (ký năm 2016) chỉ quy định 18 cửa khẩu phụ đã mở, chưa quy định cụ thể loại hình lối mở biên giới và hiện hai bên đang xây dựng Đề án quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Lào nên việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới rất hạn chế.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia: Hiệp định về Quy chế biên giới (năm 1983) chỉ quy định loại hình cửa khẩu phụ, không quy định loại hình lối mở biên giới. Mặt khác, trên thế giới nói chung vấn đề biên giới, lãnh thổ thường là "vấn đề nhạy cảm" trong quan hệ đối ngoại, trên tuyến biên giới của Việt Nam cũng vậy, một số nước thường hạn chế trong việc trao đổi với phía Việt Nam về việc mở cửa khẩu phụ và chưa thừa nhận loại hình lối mở biên giới.

Theo quy định, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới là: Việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới phải do chính quyền cấp tỉnh hai nước có chung biên giới thỏa thuận thống nhất, sau đó báo cáo chính phủ hai nước trao đổi thống nhất thông qua đường ngoại giao; thẩm quyền mở cửa khẩu, lối mở biên giới phải do chính phủ hai nước có chung đường biên giới quyết định.

Tuy nhiên, nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, một số địa phương đơn phương mở mới các lối mở biên giới, chưa có sự thỏa thuận thống nhất bằng văn bản của cấp tỉnh có chung biên giới. Tại đây, ngoài hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, còn có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, hoạt động tạm nhập, tái xuất, thí điểm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa… Việc này về ưu điểm là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng có hạn chế là tạo ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới của lực lượng BĐBP và các cơ quan chức năng. Bởi vì hệ thống cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền rất đa dạng về loại hình, phức tạp về nguồn gốc hình thành và phần lớn là chưa có cơ sở pháp lý song phương để quản lý, kiểm soát…

Trước tình hình trên, những năm qua, lực lượng BĐBP đã có nhiều chủ trương, biện pháp, cách làm chủ động, tích cực nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý cửa khẩu, biên giới. Tuy nhiên, do còn chưa thống nhất trong các quy định, chế tài giữa nước ta và các nước có chung biên giới; lực lượng chức năng mỏng, tuyến biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở, địa hình đồi núi phức tạp… nên để quản lý chặt, kiểm soát hết nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không phải là việc một sớm một chiều.

Theo Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP, thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các hiệp định về quản lý biên giới, cửa khẩu và các văn bản pháp luật có liên quan; từng bước chuẩn hóa hoạt động quản lý, kiểm soát tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới phù hợp với điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu đã ký kết và quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương; tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý, bảo vệ biên giới, chính quyền và nhân dân nước ta với các nước có chung biên giới nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu phụ, lối mở biên giới; vừa bảo đảm thuận lợi cho bà con hai bên biên giới giao thương, vừa giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Theo QĐND

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tung-buoc-chuan-hoa-cong-tac-quan-ly-kiem-soat-cua-khau-phu-loi-mo-bien-gioi-post429734.html