Từng bước hướng đến báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Tính đến ngày 5.10.2023, tờ báo của Đảng bộ tỉnh đã tròn 77 năm tuổi, bước sang 'năm thứ 78' của sự nghiệp báo chí Tây Ninh

Cán bộ, PV Báo Tây Ninh chào cờ mỗi buổi sáng thứ hai hằng tuần.

Cán bộ, PV Báo Tây Ninh chào cờ mỗi buổi sáng thứ hai hằng tuần.

Theo Quyết định số 222/CV-TU, ngày 22.2.2012 của Tỉnh ủy Tây Ninh về việc “chọn ngày 5 tháng 10 hằng năm làm Ngày truyền thống của Báo Tây Ninh”; và theo thống nhất ý kiến của các nhân chứng lịch sử, là các bậc lão thành cách mạng từng trực tiếp làm báo tại tỉnh nhà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, còn lưu lại trong tập Sơ thảo lịch sử truyền thống Báo Tây Ninh thì số báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh được in ra bằng “khuôn đất sét” vào tháng 10 năm 1946, sau gần một năm lực lượng cách mạng của tỉnh nhà thoát ly ra bưng biền kháng chiến. Như thế, tính đến ngày 5.10.2023, tờ báo của Đảng bộ tỉnh đã tròn 77 năm tuổi, bước sang “năm thứ 78” của sự nghiệp báo chí Tây Ninh.

Nhìn lại quá trình tác nghiệp phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân trong 77 năm qua, đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chí của báo chí cách mạng ngày nay theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, các thế hệ làm báo tỉnh nhà có thể tự hào vì đã luôn đi đúng hướng, luôn làm tốt nhiệm vụ do cơ quan chủ quản là Đảng bộ tỉnh và bạn đọc là rộng rãi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh tin cậy giao phó.

Thực vậy, ngay từ ngày đầu làm báo kháng chiến cho đến ngày nay làm báo thời “kỷ nguyên số”, các thế hệ làm báo Tây Ninh đều toàn tâm, toàn ý, tận lực, hết lòng với công việc làm báo. Thời làm báo trong rừng tất nhiên là không ai có thể “một phút lơ là” với nhiệm vụ của mình, vì trong chiến tranh chỉ “một phút lơ là” cũng có thể phải đánh đổi bằng cả sinh mạng.

Nguyên TBT Báo Tây Ninh Nguyễn Đức Tâm. Ảnh tư liệu

Nguyên TBT Báo Tây Ninh Nguyễn Đức Tâm. Ảnh tư liệu

Thời làm báo hiện nay, thực tế cho thấy đội ngũ làm báo hơn 48 năm trong hòa bình vẫn không ai làm theo lối “chân trong, chân ngoài”, không ai có thêm “nghề tay trái” nào ngoài “nghề cầm bút” (cho dù thực tế hoàn toàn không còn ai “cầm bút viết báo” vì tất cả đều phải gõ bàn phím computer để tạo ra các bản thảo “số hóa” và gửi đến tòa soạn qua đường email, thư điện tử).

Nhiều năm qua, ngay cả trong thời “đêm trước đổi mới” khó khăn cùng cực của cả nước, những người làm báo tỉnh nhà cũng thu nhập thuần túy với đồng lương thời bao cấp, kèm theo đó là 13 kg gạo được “phân phối theo định lượng”; đến những năm đầu thời kỳ đổi mới thì cán bộ, phóng viên mới có thêm tiền nhuận bút với định mức “1 tin bằng 1 ly cà phê đen, 1 bài bằng 1 tô hủ tiếu”. Tuy vậy, lúc nào người làm báo cũng tin tưởng, an tâm công tác và cũng cảm thấy được an ủi vì lãnh đạo báo luôn canh cánh bên lòng chuyện “làm sao cho anh em sống được với nghề của mình”.

Cho đến ngày nay, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng cả đội ngũ làm báo đều đang sống bằng nghề của mình, không “làm thêm” gì cả, cũng như không có ai “bẻ cong ngòi bút” để kiếm sống. Thực ra, anh em làm báo yên tâm tác nghiệp được như thế không vì “động cơ” nào khác, ngoài “lòng yêu nghề”, ý chí vươn lên trong nghề và luôn giữ mình trong khuôn phép đạo đức nghề nghiệp. Điều này thể hiện rõ suốt thời gian qua, với sự tạo điều kiện mọi mặt của lãnh đạo Ban biên tập, đội ngũ phóng viên báo tỉnh nhà luôn cố gắng học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nâng cao tay nghề, bản lĩnh nghề nghiệp.

Và đáng nói nhất là tuy anh em cũng có không ít lần va vấp, nhưng chỉ do bất cẩn, non kém về mặt nào đó, chứ hoàn toàn chưa có va vấp nào xảy ra do vi phạm đạo đức người làm báo. Có thể nói, với những cách làm như thế, đội ngũ làm báo Tây Ninh đang từng bước hướng đến tiêu chí chuyên nghiệp trên đường tác nghiệp. Tuy nhiên, để đạt đến tiêu chí này, người làm báo còn đòi hỏi phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác như là tính năng động, tính kỷ luật, hay kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm…

77 năm qua Báo Tây Ninh luôn gìn giữ và phát huy được vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân của báo chí cách mạng, luôn trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; tích cực hưởng ứng công cuộc đổi mới, hăng hái đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được thể hiện trong từng tác phẩm báo chí đã được Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.

Cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Tây Ninh trong trang phục áo dài nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8.3. Ảnh: Huỳnh Đông

Cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Tây Ninh trong trang phục áo dài nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8.3. Ảnh: Huỳnh Đông

Đặc biệt trong những năm gần đây Báo Tây Ninh đã có sự nâng cao về chất lượng thông tin thể hiện qua việc nhiều phóng viên báo có tác phẩm báo chí đạt các giải thưởng toàn quốc về xây dựng Đảng, giải báo chí quốc gia, giải báo chí thông tin đối ngoại…

Điều này phản ánh từng bước phát triển đi lên của tờ báo Đảng bộ tỉnh, cho thấy thế hệ tiếp nối sự nghiệp báo chí tỉnh nhà trong thời bình đã phát huy tốt truyền thống được xây đắp bởi nhiều lớp người đi trước từ thời làm báo trong chiến tranh.

Song song với việc nâng cao chất lượng nội dung, Báo Tây Ninh không ngừng hiện đại hóa trong thời đại mới, thời đại được gọi là “kỷ nguyên số”. Công việc chuyển đổi số của tờ báo không chỉ thể hiện qua việc báo đã có ấn bản điện tử xuất bản trên mạng thông tin toàn cầu internet là Báo Tây Ninh Online, mà đã được “số hóa” từ thập niên cuối thế kỷ 20. Việc chuyển đổi số khởi đầu từ công tác phóng viên đến công tác tòa soạn. Phóng viên tác nghiệp với thiết bị kỹ thuật số qua các công việc thu thập, xử lý thông tin, sáng tạo tác phẩm báo chí và truyền tải bản thảo số hóa đến phòng phóng viên.

Từ đó tác phẩm báo chí của phóng viên được xử lý biên tập, xuất bản qua hệ thống tòa soạn điện tử; sau đó lãnh đạo Ban biên tập thực hiện xem xét, ký duyệt cho truyền tải đến nhà in bằng đường truyền internet để nhân bản thành ấn phẩm báo in cũng bằng công nghệ in offset kỹ thuật số. Bên cạnh đó công tác trị sự của cơ quan báo chí bước đầu cũng thực hiện chuyển đổi số trong các công việc văn phòng, hành chính, tài chính xuất bản, phát hành.

Như thế, có thể nói Báo Tây Ninh đã và đang thực hiện chuyển đổi số ở mức độ chuyên sâu cả ở hai loại hình báo in truyền thống và báo điện tử hiện đại. Tuy nhiên, trên tiến trình chuyển đổi số của cả nước trong thời đại ngày nay Báo Tây Ninh vẫn còn phải tiếp tục cải tiến, nâng cao về nhiều mặt.

Quan trọng nhất là phải làm thế nào để bạn đọc không “quay lưng” với tờ báo truyền thống của quê hương, dù trên tay bất kỳ ai trong thế giới ngày nay đều có “vật bất ly thân” là các loại thiết bị cầm tay, di động để tiếp nhận thông tin đa chiều đến từ khắp thế giới.

Việc phải làm ấy là người làm báo phải luôn đem đến cho bạn đọc những thông tin không thể thiếu được ở bất cứ không gian, thời gian nào. Điều mà các thế hệ đi trước có “nằm mơ cũng không thấy”.

Nguyễn Tấn Hùng

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tung-buoc-huong-den-bao-chi-chuyen-nghiep-nhan-van-hien-dai-a164171.html