Tuổi thơ mùa lũ

Quê tôi có dòng sông Hiếu chảy qua, ngày hè là nơi tuổi thơ chúng tôi đắm mình trong làn nước mát lành. Sáng tắm, trưa tắm, chiều tắm và đến chiều tối thì rọi đèn pin bắt những con ếch, con nhái hay những con cá, con tôm… Xa quê gần 20 năm nhưng cứ mỗi mùa mưa đến, ký ức bên dòng sông tuổi thơ lại ùa về với muôn vàn kỷ niệm khó quên.

 Bếp lửa tuổi thơ. Ảnh: NT

Bếp lửa tuổi thơ. Ảnh: NT

Hồi ấy, chưa có phương tiện tối tân để bắt nên chủ yếu là câu hoặc đơm cá bằng chiếc dẹp, chiếc đó, chiếc nơm. Cá sông Hiếu nhiều chủng loại như cá diếc, cá gáy, cá chạch lấu… loại nào ăn cũng rất ngon. Hiếu Giang chính là nơi cung cấp thức ăn cho nhiều xã ven sông ở huyện Cam Lộ.

Dòng Hiếu Giang uốn lượn quanh co, êm đềm đã tô thêm vẻ đẹp làng quê như một bức tranh thủy mặc. Ai lớn lên bên dòng sông này đều không thể nào quên những ngày mưa lũ. Dẫu cho con nước có phần hung hãn vào mùa lũ, nó khác hẳn với sự êm đềm của thường ngày nhưng khi lũ về đồng nghĩa với những đám ruộng, vườn rau được phủ thêm những lớp phù sa màu mỡ. Lũ về cũng đem theo bao tôm, cá mà bọn trẻ chúng tôi ai cũng có thể bắt về hàng chục ký rồi phơi khô để dành.

Lũ về, chúng tôi vui nhất là đi mót củi rều. Nói là rều nhưng cũng có nhiều loại củi rất to có thể cưa ra để đóng các vật dụng trong nhà. Anh Kiếm, một người dân trong vùng nổi tiếng với sự liều mình bám gỗ. Những cây gỗ quý cổ thụ được người dân khai thác chưa kịp mang về theo dòng nước lớn trôi dọc sông. Kiếm rất tài, thấy gỗ là anh lao ra giữa dòng nước hung hãn bất chấp sự nguy hiểm, gỗ vừa đến là anh nhảy vào ôm và lái cây gỗ vào bờ. Nói lái vào bờ thì dễ nhưng khó lắm, phải vật lộn với nước dữ hàng chục giờ đồng hồ mới đưa vào được, cũng có khi lao ra nhưng gặp gỗ mục, gỗ không giá trị thì bơi qua bờ bên kia đi bộ về nhà. Ngoài anh Kiếm chuyên đi săn các loại gỗ quý mùa lũ thì còn hàng chục người khác cũng theo chân anh đi săn gỗ nhưng thua Kiếm về độ liều và kinh nghiệm. Bọn trẻ chúng tôi chỉ đi quanh bờ mót củi rều. Củi rều đủ loại, đi một ngày thì có thể đốt, sử dụng cả tháng trời.

Hồi đó, ở làng quê chưa có điện nên người ta nấu cơm, nấu canh đều bằng củi. Mùa lũ củi càng quý vì trời mưa tất cả đều bị ướt, những thanh củi dự trữ được mang ra đốt để làm khô củi rều và củi này đốt lên để làm khô những cây củi khác. Mỗi khi đốt củi rều nấu xong bữa ăn thì nước mắt chảy ròng vì khói…

Ngày nay, chúng tôi không thấy củi rều, không tận mắt chứng kiến những thanh gỗ to cứ lao như tên lửa giữa dòng nước xoáy. Chúng tôi cũng không thấy hình ảnh của mẹ già đốt củi rều lo cho anh em chúng tôi bữa cơm mùa lũ… Cuộc sống dù có sung túc, đủ đầy hơn trước kia, những mỗi mùa mưa, tôi lại nhớ mùi khói bên bữa cơm chiều mẹ nấu.

Ngọc Tỵ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=150173