Tuổi trẻ Sơn Dương làm tốt công tác huy động trẻ đi nhà trẻ

Thực hiện Nghị quyết 73- NQ/TU ngày 10-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Huyện đoàn Sơn Dương đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên và nhân dân về việc đưa trẻ đi nhà trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Chị Trần Thị Hoàn, Bí thư Huyện đoàn cho biết, ngay sau khi Nghị quyết được triển khai, Huyện đoàn đã chỉ đạo 33 đoàn xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác huy động trẻ đi nhà trẻ. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, phụ huynh và nhân dân về việc huy động trẻ đi nhà trẻ, góp phần đảm bảo quyền lợi học tập cho con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Đoàn xã Tuân Lộ là một trong những cơ sở Đoàn thực hiện tốt việc huy động trẻ đi nhà trẻ. Chị Lâm Thị Hương, Bí thư Đoàn xã nói, là xã có đông đồng bào dân tộc, nên việc huy động trẻ đi nhà trẻ là rất cần thiết. Để đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt kế hoạch, Đoàn xã đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội rà soát số trẻ trong độ tuổi; điều kiện kinh tế của các hộ để vận động, tuyên truyền, giúp các phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi đến lớp... Bên cạnh đó, Đoàn xã đã huy động đoàn viên, thanh niên tổ chức tu sửa, mở rộng diện tích phòng học ở một số điểm trường mầm non trên địa bàn thôn Vĩnh Tiến, Trại Đát, Vực Lửng; phối hợp với Đoàn trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Hà Nội) xây dựng điểm vui cho thiếu nhi tại thôn Tân Tiến với tổng kinh phí trên 25 triệu đồng. Ttrước khai giảng năm học 2019 -2020, xã đã hoàn thành huy động 66 trẻ từ 3 đến 36 tháng ra lớp, góp phần nâng tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ toàn xã đến nay lên 35,2%.

Tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Đoàn Thanh niên đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể xuống tận thôn, bản, đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động giúp cho người dân hiểu ý nghĩa, tác dụng của việc đưa trẻ đến trường. Anh Lý Văn Thính, dân tộc Mông, thôn Tân An, xã Đông Thọ chia sẻ, mấy hôm trước, các con còn theo anh lên đồi trồng ngô, kiếm củi chứ không đi học. Tuy nhiên, khi được các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã đến tận nhà vận động, tuyên truyền, anh đã hiểu và đưa các con đến lớp. Anh muốn các của mình được học cái chữ nên cũng đã chuẩn bị đấy đủ quần áo, cặp sách... để các con đến trường. Phải được học hành đầy đủ thì sau này cuộc sống của các con anh mới đỡ vất vả.

Chi đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xây dựng điểm vui chơi cho trẻ tại Trường Mầm non Tam Đa.

Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn đã tích cực đóng góp ngày công lao động để tu sửa các lớp học mầm non, huy động nguồn xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho các lớp học mầm non trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện cho trẻ có điều kiện học tập tốt hơn. Đến nay, các cơ sở đoàn toàn huyện đã huy động trên 6.500 đoàn viên, thanh niên tổ chức hơn 200 ngày công lao động để sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non. Huyện đoàn đã hỗ trợ 30 triệu đồng và huy động ngày công lao động sửa chữa 2 phòng học cho trẻ tại Trường Mầm non xã Cấp Tiến; Đoàn Thanh niên Công an huyện tổ chức xây dựng và trao tặng điểm vui chơi cho thiếu nhi gắn với điểm Trường Mầm non thôn Lãng Cư, xã Quyết Thắng; Chi đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xây dựng điểm vui chơi cho thiếu nhi tại Trường Mầm non Tam Đa…

Năm học mới 2019-2020, toàn huyện đã huy động được 2.424 trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi đi nhà trẻ, ở 117 nhóm trẻ, đạt tỷ lệ 29%. Một số xã có tỷ lệ huy động trẻ đến trường cao như Tuân Lộ, Đồng Quý, Hợp Thành, Vân Sơn…

Việc huy động trẻ đi nhà trẻ của các cơ sở đoàn huyện Sơn Dương đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ ở bậc mầm non. Từ đó tạo nền móng vững chắc cho trẻ bước vào bậc tiểu học, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tuoi-tre-son-duong-lam-tot-cong-tac-huy-dong-tre-di-nha-tre-122859.html