Tướng cướp khét tiếng Hiền 'đầu bạc' và những giai thoại hư cấu (P2): Cái kết bi thảm của cuộc đời 'ông trùm'

Sau khi tẩu thoát khỏi trại giam, Hiền 'đầu bạc' quay trở lại với các bãi vàng ở miền Tây xứ Thanh để tạo dựng 'đế chế' của riêng mình…

Đào tẩu và thanh trừng

Trong lúc cái tên Hiền "đầu bạc" đang dần được giới anh chị xã hội ở xứ Thanh biết tới thì gã cùng đồng bọn bất ngờ bị lực lượng công an bắt giữ khi gây ra vụ cướp tài sản trên địa bàn huyện Hà Trung. Hiền bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt mức án 8 năm tù giam.

Ngồi tù vào giai đoạn các bãi vàng ở Pù Luông đang hoạt động nhộn nhịp, khiến cho Hiền cảm thấy tiếc nuối, đứng ngồi không yên. Có lẽ chính vì vậy mà khi mới thụ án được một năm, Hiền đã kịp lôi kéo và bàn bạc với 3 phạm nhân cùng phòng giam gồm: Lê Văn Thành (Thành "toét"), Cao Hải Chi, Nguyễn Văn Kim lên kế hoạch đào tẩu.

Đêm 26/12/1989, sau khi cắt rời được 2 thanh sắt cửa sổ phòng, lợi dụng lúc quản giáo sơ hở, nhóm đối tượng trên đã trốn thoát khỏi trại giam. Trong khi Chi và Kim với suy nghĩ chạy càng xa càng tốt thì Hiền "đầu bạc" lôi kéo theo Thành "toét" trở lại căn cứ điểm Pù Luông để cùng nhau tạo dựng "đế chế" riêng.

Khu vực dãy núi Pù Luông từng một thời vang tiếng súng khi băng cướp do Hiền "đầu bạc" cát cứ. Ảnh:GG

Khu vực dãy núi Pù Luông từng một thời vang tiếng súng khi băng cướp do Hiền "đầu bạc" cát cứ. Ảnh:GG

Vốn đã có tiếng từ trước nên Hiền "đầu bạc" không mấy khó khăn để tập hợp lại đội quân ô hợp. Dưới trướng Hiền là 2 cánh tay đắc lực mang tên Thành "toét" và Thành "côi".

Với bản tính ma mãnh, Hiền cùng đồng bọn lựa chọn núi Kịt Toong Hoong (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), nơi có địa hình hiểm trở, dễ phòng thủ, khó tấn công làm căn cứ địa.

Một mặt Hiền ép buộc các phu đào vàng nhỏ lẻ làm việc cho mình, mặt khác gã luôn nhăm nhe, tìm cách thôn tính những khu vực béo bở, có trữ lượng vàng lớn.

Trước mỗi vụ đánh chiếm bãi vàng khác, Hiền "đầu bạc" thường cho người do thám thông tin và lên kế hoạch vô cùng tỉ mỉ. Điển hình nhất trong quá trình bành trướng địa bàn của băng nhóm do gã cầm đầu phải kể tới vụ đột nhập lán của Dũng "chư" cướp 2 khẩu 2 AK, hai băng tiếp đạn có 60 viên… và nhiều nhu yếu phẩm khác vào một ngày đầu tháng 3/1990.

Khi đã có trong tay vũ khí nóng, Hiền "đầu bạc" xua quân đi càn quét khắp các bãi đào vàng để cướp bóc tài sản, khiến giới phu đào vàng sợ hãi, khiếp đảm tới tột độ.

Không chỉ đối với những người ngoài, ngay cả những đàn em dưới trướng khi "lệch pha", Hiền "đầu bạc" cũng sẵn sàng giải quyết bằng "luật rừng".

Kết cục bi thảm

Khi tình hình an ninh trật tự ở Pù Luông ngày càng diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thành lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá băng nhóm do Hiền "đầu bạc" cầm đầu.

Rất nhiều trinh sát vào vai phu vàng để tìm cách trà trộn vào khu vực núi Kịt Toong Hoong để nắm tình hình, vẽ sơ đồ lán trại, do thám lượng vũ khí của nhóm cướp.

Khi tất cả đã sẵn sàng, ngày 10/9/1990, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Công an tỉnh Hà Sơn Bình (tỉnh Hà Tây và Hòa Bình ngày nay) chia làm nhiều mũi tấn công tiến vào dãy núi Pù Luông. Lực lượng chức năng được trang bị đầy đủ vũ khí lẫn nhu yếu phẩm, để bao vậy, chốt chặn tất cả các ngã đường. Quá trình cơ quan công an tiếp cận sào huyệt của băng nhóm Hiền "đầu bạc" gặp vô vàn khó khăn do địa hình đồi núi vô cùng hiểm trở.

Bằng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, 2 ngày sau (tức 12/9), ban chuyên án đã tấn công trực diện băng cướp. Trước sức tấn công mãnh liệt của lực lượng chức năng, Hiền "đầu bạc" cùng những tay chân thân cận tìm cách tháo chạy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với tinh thần quyết tâm cao độ, tới ngày 14/9, Hiền "đầu bạc" cùng 23 đệ tử thân cận lần lượt bị cơ quan công an bắt giữ, thu nhiều vũ khí nóng.

Trong kí ức của nhiều người, thời gian băng nhóm Hiền "đầu bạc" tác oai, tác quái, núi rừng Pù Luông thường xuyên vang tiếng súng, người dân luôn sống trong tâm trạng lo sợ, bất an. Ngày băng đảng này bị cơ quan công an triệt phá, mọi người mừng vui khôn xiết.

Ngày Hiền "đầu bạc" và đồng bọn bị TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử thu hút được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận. Rất nhiều người dân mong muốn, gã tướng cướp khét tiếng này phải chịu hình phạt thích đáng cho những tội ác đã gây ra. Ngày 1/11/1991, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án tử hình đối với Nguyễn Mạnh Hiền (tức Hiền "đầu bạc").

Thậm chí, trước ngày bị xử bắn, Hiền vẫn âm mưu tìm cách vượt ngục, trốn trại nhưng bất thành. Bản thân Hiền, trong cuốn nhật ký của gã mà CQĐT thu được, gã cũng từng đặt câu hỏi: "Tội phạm là gì?". Hiền tự nhận những hành động của mình là tàn ác, sẽ không "trụ" được lâu dài.

Còn có thông tin đồn thổi, trước khi bị xử bắn, Hiền đánh tiếng sẵn sàng dùng vàng ròng bằng đúng số cân nặng của mình để đổi lấy sự sống nhưng đã không được các cơ quan chức năng chấp nhận. Tất nhiên, đây chỉ là những thông tin lan truyền thiếu căn cứ trong dư luận và không được cơ quan chức năng thừa nhận.

Có thể nói xung quanh cuộc đời của tên tướng cướp khét tiếng Hiền "đầu bạc" vẫn còn rất nhiều giai thoại đồn thổi. Dù có xưng hùng, xưng bá một cõi thì Hiền "đầu bạc" cũng phải trả giá bằng bản án tử bởi hành vi tội ác mà hắn đã gây ra. Cái chết của Hiền "đầu bạc" đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của một trong những băng cướp hung hãn nhất xứ Thanh.

Cụ bà bị thôi miên cướp tài sản ngay giữa phố

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tuong-cuop-khet-tieng-hien-dau-bac-va-nhung-giai-thoai-hu-cau-p2-cai-ket-bi-tham-cua-cuoc-doi-ong-trum-172211106180235006.htm