Tuy Phong: Tìm hướng phát triển thanh long bền vững

Ghi nhận trên địa bàn huyện Tuy Phong, diện tích cây thanh long những năm gần đây tăng lên đáng kể, từ 225 ha (vào năm 2016) lên 638 ha (tính đến thời điểm cuối năm 2019). Tập trung nhiều nhất tại các xã - thị trấn: Liên Hương 215,5 ha, Phong Phú: 191 ha, Chí Công: 148 ha, Hòa Minh 23,6 ha, Phú Lạc 19 ha… Theo địa phương, diện tích thanh long tăng hàng năm xuất phát từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất cát, đất bạc màu, đồi núi khô cằn sản xuất kém hiệu quả hoặc xa nguồn nước.

Tuy Phong

 Tại Tuy Phong, diện tích cây thanh long không ngừng tăng lên trong những năm gần đây.

Tại Tuy Phong, diện tích cây thanh long không ngừng tăng lên trong những năm gần đây.

Tham gia sản xuất loại cây trồng này, hiện Tuy Phong có khoảng 585 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt từ 7- 9 tấn ha/vụ, sản lượng thanh long cũng không ngừng tăng lên qua từng năm. Như năm 2016, đạt 2.886 tấn, đến năm 2017 là 3.682 tấn, còn năm 2018 đạt 4.328 tấn, trong năm 2019 tăng lên 6.432 tấn và năm 2020 ước sản lượng thanh long toàn huyện gần 12.800 tấn.

Hướng tới hiệu quả kinh tế, người trồng thanh long tại Tuy Phong cũng quan tâm đầu tư, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước (phun sương, tưới nhỏ giọt) và lắp đặt hệ thống hẹn giờ, châm phân tự động, đưa sản xuất giống mới là thanh long ruột tím hồng… Ngoài ra từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều hộ trồng thanh long trên địa bàn huyện cũng tích cực thực hiện chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Hiện đã có 35,4 ha được cấp Giấy chứng nhận thanh long VietGAP và khoảng 20 ha đang thực hiện triển khai hoàn thành chứng nhận trong năm 2020…

Dù vậy, người trồng thanh long tại Tuy Phong vẫn gặp một số khó khăn vì trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sơ chế, chế biến, cũng như chưa có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long. Vì vậy, khi đến thời gian thu hoạch chủ yếu bán trái tươi tại vườn cho các chi nhánh đại lý thu mua thuộc huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc… Sau thời gian thu mua với giá ổn định đối với thanh long ruột trắng (10.000 - 15.000đ/kg) lẫn ruột đỏ (25.000 - 30.000đ/kg), năm nay việc tiêu thụ khá ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Trước thực trạng trên, thời gian đến địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành trên lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản xuất. Trong đó sẽ quan tâm chỉ đạo vàtập trung tổ chức sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ thanh long… Tiếp nữa là củng cố các hợp tác xã (Chí Công, Phong Phú) và tổ nhóm sản xuất hiện có, thực hiện tốt chính sách của tỉnh về hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Để đem lại hiệu quả cao hơn, Tuy Phong cũng đẩy nhanh việc xây dựng các tổ, nhóm liên kết sản xuất theo hướng VietGAP và nhân rộng mô hình này, góp phần phát triển sản xuất thanh long một cách bền vững. Tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến. Nhất là chủ động sản xuất hữu cơ theo hướng công nghệ cao trong sản xuất thanh long, không lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long.

Riêng năm 2020, toàn huyện phấn đấu đạt diện tích thanh long được cấp Giấy chứng nhận VietGAP lên 55,4 ha, tức tăng thêm 20 ha so năm ngoái và tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu cấp mới trong những năm tiếp theo…

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tuy-phong-tim-huong-phat-trien-thanh-long-ben-vung-130588.html