Tỷ lệ hỏa táng trên toàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 82%
Ngày 25-7, Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thanh Liệt tổ chức tọa đàm phát huy vai trò của người cao tuổi trong thực hiện nếp sống tang văn minh, tiến bộ.

Quang cảnhị tọa đàm. Ảnh: Bảo Lâm
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Phạm Huy Giáp cho biết, UBND thành phố giao Hội Người cao tuổi thành phố chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chuyên đề “Phát huy vai trò người cao tuổi trong thực hiện nếp sống tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025”.
Theo ông Phạm Huy Giáp, việc xây dựng và thực hiện chuyên đề nhằm nhân rộng các mô hình tổ chức lễ tang văn minh, tiết kiệm, tiến bộ; tránh chạy theo hình thức, phô trương, lãng phí; đồng thời nâng cao tỷ lệ thực hiện hình thức hỏa táng khi có người qua đời trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, tỷ lệ hỏa táng trên toàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 82%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, thực tế cho thấy vẫn tồn tại một số biểu hiện thiếu văn minh trong tổ chức tang lễ.

Người cao tuổi nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Bảo Lâm
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích vai trò và trách nhiệm của người cao tuổi trong thực hiện tang lễ văn minh; chia sẻ những mô hình, cách làm hiệu quả; đồng thời đề xuất giải pháp nhân rộng phong trào tang văn minh, tiến bộ, gắn với các phong trào thi đua, như “Tuổi cao - gương sáng”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”...
Ông Nguyễn Đức Thìn (Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi số 7, phường Thanh Liệt) cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của người cao tuổi trong việc xử lý tập tục lạc hậu trong tang lễ như đốt vàng mã, mở loa công suất lớn, thời gian tổ chức tang lễ kéo dài...
Nêu ý kiến về việc vẫn còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc tổ chức tang lễ kéo dài không chỉ là gánh nặng về kinh tế, mà cả tinh thần, nhân lực, ông Phạm Gia Nam (Chi hội Người cao tuổi số 2 Thanh Xuân Nam cũ) đề xuất chính quyền địa phương chủ động rà soát các hộ gia đình neo đơn, khi có tang sự cần nhanh chóng cử cán bộ phối hợp với tổ chức đoàn thể, trong đó có người cao tuổi, để kịp thời hỗ trợ.
Cho rằng rất lãng phí khi có nhiều vòng hoa phúng viếng, ông Nguyễn Trọng Tiếu (Chi hội Người cao tuổi thôn Tràng, xã Thanh Liệt cũ) đề xuất hạn chế vòng hoa, các vòng hoa nên làm bằng hoa lụa hoặc giấy để dễ luân chuyển và tiết kiệm...

Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn kết luận tọa đàm. Ảnh: Bảo Lâm
Kết luận tọa đàm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn nhận định, tọa đàm rất có giá trị thực tiễn, đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của người cao tuổi tham gia việc thực hiện tang văn minh; lan tỏa uy tín, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của người cao tuổi trong cộng đồng xã hội.
Đánh giá cao các ý kiến của người cao tuổi phường Thanh Liệt tại tọa đàm, ông Nguyễn Thế Toàn nhấn mạnh, bằng kinh nghiệm thực tế, những ý kiến tâm huyết tại tọa đàm sẽ là cơ sở để Hội Người cao tuổi thành phố tiếp tục xây dựng chuyên đề cụ thể và có chiều sâu, thiết thực hơn.
Cùng với đó, Hội Người cao tuổi địa phương cũng cần kiến nghị Ủy ban MTTQ có những quy định cụ thể về việc thực hiện tang văn minh, phù hợp với địa bàn dân cư; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt vận động, tuyên truyền con cháu, người thân trong gia đình và cộng đồng thực hiện tang văn minh, góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn thành phố Hà Nội.